Câu chuyện thứ Năm (Gồm 4 kỳ) – KHOA HỌC LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI VỚI NGUYỄN VĂN VĨNH

Thưa các quý vị và các bạn!

Cuốn tự truyện “Tôi và ông nội” của Nguyễn Lân Bình gồm hai tập. Nội dung ghi chép lại tất cả những gì đã diễn ra, đã sảy ra trong quá trình thực hiện việc phục dựng chân dung dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, tính từ năm 2002 đến 2018.

Cuốn sách được viết dưới con mắt của một kẻ ngoại đạo về văn hóa, văn học, lịch sử, khoa học xã hội, khoa học nghệ thuật. Thậm chí, tác giả còn là kẻ ‘ngoại đạo’ nhìn từ góc độ tập quán về việc phân vai trong nội tộc theo truyền thống, mà nhiều người thường coi là ‘nguyên tắc’, rằng những việc liên quan đến một gia tộc, dòng họ, phải là ‘đích tôn’ mới có trọng lượng, mới ‘đúng’….

Vậy khi chỉ làm ‘thứ’, kẻ đó có đáng được tin cậy không? Liệu những việc làm của kẻ đó, có đạt được những giá trị nhất định về xã hội, lịch sử, văn hóa của một gia tộc trước con mắt của người đời? 

Lúc đầu, cuốn sách được viết không nhằm mục đích phổ biến, bởi lẽ trong nội dung, có rất nhiều sự kiện, nhân vật, là những gương mặt đương thời, có danh, có tiếng, hoặc dưới con mắt xã hội, hoặc trong con mắt người làm chuyên môn, cùng với cách ứng xử của họ lúc chủ ý, khi vô tình, có quan hệ đến đề tài Nguyễn Văn Vĩnh. Theo cách nghĩ hiện đại, mọi người thường nói rằng, đó là những chuyện ‘nhạy cảm’.

Tuy nhiên, khi đã viết, con chữ đã hiện lên, thì sớm, muộn, vẫn sẽ dành cho người đọc. Có khác, thì đó là ai đọc, ai quan tâm tìm đọc mà thôi. Mặt khác, việc phổ biến hay không phổ biến chỉ là một nhu cầu chủ quan, còn nhu cầu khách quan, thì đó là dấu tích giúp những thế hệ đi sau hiểu những việc làm, những diễn biến cuộc sống có liên quan đến họ của những thế hệ trước, mà nếu chỉ bằng sự mô tả qua các chuyện kể nói miệng, thì không bao giờ lột tả được đúng sự việc, nhân vật, hay bối cảnh của những biến cố mà người đời sau cần biết….

Hơn nữa, sự thật thường gồ ghề, gai góc, đôi khi lại vừa chát, vừa chua… Nhưng nó là sự thật, thì dù thế nào cũng mang một giá trị nhất định! Nhận thức như vậy nên tác giả đã cực kỳ thận trọng, khi nêu lại tất cả những người, những gì liên quan đến quá trình tìm kiếm, va chạm, thậm chí cả xung khắc, để chứng minh đề tài về Nguyễn Văn Vĩnh rất đặc biệt, rất thiêng liêng.

Tác giả rất hiểu những gì nêu phải đúng sự thật, cố gắng nhìn nhận ở góc độ khách quan (Tất nhiên chủ quan vẫn là căn bản), phải chịu trách nhiệm, phải lấy lương tâm định hướng, không suy diễn, tránh xa định kiến và sự áp đặt.

Thưa các chị, các anh và các bạn!

Trong phạm vi có thể, chúng tôi xin trình bày một vài trích đoạn, và giới thiệu trên trang web. Tannamtu.com. Mục đích để các bạn quan tâm, có cơ hội nhìn sâu hơn những sự việc rất khác thường đã sảy ra, khi một người dấn thân vào những lĩnh vực không đơn thuần, một đề tài quá khủng lồ. Đây cũng là cơ hội để những người quan tâm, có thể hình dung về cơ man những dấu hỏi đối với Nguyễn Văn Vĩnh, về con người và sự nghiệp của ông. Sao người gì, mà lại nhiều ‘chuyện’ thế?!

Nội dung của những câu chuyện trong cuốn tự truyện, chúng ta không chỉ gặp ở ngoài xã hội, ở những con người không ràng buộc gì với Nguyễn Văn Vĩnh, mà ngay ở cả trong nội bộ của những người là hậu duệ trực hệ, và của cả những người là họ hàng xa, gần trong dòng họ, ở các chi họ liên quan đến nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Viết cuốn tự truyện này, tác giả còn muốn phơi bày những góc khuất của cuộc sống (không phải tố cáo), những gì đã chịu tác động, ảnh hưởng tốt, xấu vì liên quan đến dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Những điều đã diễn ra được nêu trong cuốn sách, không phải chỉ trong quá khứ, hay hôm nay, và sẽ còn cả đến những ngày mai.

Cũng từ đây, mọi người sẽ có thêm cơ sở để cùng nhận thấy, đề tài Nguyễn Văn Vĩnh đã ‘đeo đẳng’ như thế nào trong cuộc sống của không ít người. Nó dính dáng đến tất cả mọi lĩnh vực, và diễn ra suốt một thời gian dài lúc chìm, lúc nổi, và không phải chỉ ở Việt Nam, mà còn ở cả những miền đất khác của trái đất này, cho dù đã có kẻ không muốn can dự (dây dưa), nhưng với những kẻ muốn cũng chẳng dễ.

Cuối cùng, mục đích lớn nhất của tác giả, là để mọi người cùng chiêm nghiệm, rằng chúng ta có ‘nợ’ Nguyễn Văn Vĩnh điều gì không? Và ông có đúng là NGƯỜI CÔNG DÂN VĨ ĐẠI không?

Trân trọng!

NGUYỄN LÂN BÌNH

 

 

KHOA HỌC LỊCH SỬ HIỆN ĐẠI VỚI NGUYỄN VĂN VĨNH

(Trích trong tập Một, cuốn tự truyện: Tôi và Ông Nội,

viết năm 2014 của Nguyễn Lân Bình)

Kỳ Một

SỰ KIỆN THỨ HAI.

Năm 2001, một lần tôi đến thăm bác Nguyễn Kỳ(1). Lúc này, ông đã trên tuổi 80, song thể chất vẫn vững vàng. Ông nói năng hơi thiếu cụ thể do tính ông lạc quan, giản dị trong suy nghĩ, nên khi nói thường pha lẫn nụ cười (vừa nói vừa cười), làm người nghe không dễ để thấy được tính hệ trọng của câu chuyện, nhất là lúc bàn đến những vấn đề có nội dung quan trọng và phức tạp.

Sau những câu chào hỏi giữa hai bác cháu, ông lập tức hướng ánh mắt nghiêm khắc về phía tôi (tôi chưa thấy bác mình như thế bao giờ), nói một cách dứt khoát hiếm thấy, thực giống một ông giáo già gắt gỏng với cậu học sinh cưng của mình:

“Thế cậu không làm được gì à, phải làm gì đi chứ, mấy năm rồi cứ để mãi thế à…?”.

Tôi bẽn lẽn vì không biết phải nói gì. Tôi cảm thấy câu nói của bác mình, không phải chỉ là nói để mà nói. Tôi hiểu đây là sự lưu ý, vừa có tính ‘mắng mỏ’, vừa bộc lộ sự sốt ruột, lo lắng của một người ở tuổi xế chiều, trước một người mà ông từng ‘vô tình’ trông đợi, thậm chí đặt thử lòng tin trước một công việc rất thiêng liêng và nặng nề. Tôi hiểu, ông hy vọng ở tôi! Đến ngày đó, các bác đã bàn giao cho tôi được 4 năm rồi, những tư liệu được sưu tập về cụ Vĩnh và gia đình trong hơn 20 năm liền miệt mài, vất vả.

 Bút tích Đinh Ngọc Liên 1912-1991. Trước 1945, ông là nhạc công, Đội trưởng Đội nhạc thuộc Tòa Thống sứ Bắc kỳ. Ngày 2/9/1945, Đội nhạc kèn do ông chỉ huy là đội nhạc cử hành Tiến quân ca (Văn Cao), Diệt Phát xít (Nguyễn Đình Thi) tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đội nhạc do Đinh Ngọc Liên chỉ huy đã trở thành Tiểu đoàn Quân nhạc. Ông được phong quân hàm Đại tá và là Đoàn Trưởng Đoàn quân nhạc Việt Nam đầu tiên. (Cho ảnh Đ.N.Liên và Văn Cao. Nguồn: Báo QĐND. 1/9/2016)

Đôi lần, tôi cũng mở 1, 2 cặp tài liệu trong bộ sưu tập, tôi cũng đọc, cũng xem, lật đi lật lại… nhưng hầu như tôi chưa thấy có cảm xúc gì cụ thể. Phần vì cách xắp đặt hơi thiếu khoa học, nhiều nội dung lặp đi lặp lại, phần vì giấy và khổ chữ in hơi nhỏ, chất lượng in thấp, rất khó đọc. Văn phong các bài dịch của các bác, dịch một số bài của cụ Vĩnh từ Pháp ra Việt tôi đọc chưa quen, nhiều chỗ cứ phải luận mãi mới rõ ý, nhất là những nội dung mà các bác tôi đóng thử thành tập nhỏ theo chủ đề… Hình như vì thế nên tôi nản chí. Rồi tôi buộc dây cặp lại và lại cất vào chỗ cũ. Tôi cũng không nhớ đã bao nhiêu lần như vậy.

Sau này tôi mới biết, để làm được chừng đó, các bác tôi đã cơ cực thế nào trong việc thu vén tài chính, đã cạy cục ra sao để có cơ hội sưu tầm, mò mẫm để sao chép và cất giữ lại. Cứ thế, một vài năm của đời người lại trôi đi như những cơn gió thổi….

Hôm nay nhìn lại, tôi tự nhận rằng, ngày đó, mình thật tệ, mải mê với sự đời, với quá nhiều điều chi phối, ràng buộc mà không dễ để nhắc lại. Ý thức về những giá trị hiện hữu của sự nghiệp do ông mình để lại, tôi chưa có, đúng hơn là thiếu ý thức.

Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên ( bên phải) chụp cùng nhạc sĩ Văn Cao

Chuyện tiền bạc thời đó, lúc mà các bác tôi chạy vạy từng đồng, phải bán đi cả những gì là bảo vật, để trả cô đánh máy này, thanh toán cho cậu thợ sao chụp kia, là cái lúc mà tôi đã kiếm được cả ngàn Đôla Mỹ. Tôi ăn tiêu vung vẩy, tặng em nọ cô kia lọ nước hoa có giá bằng nửa tháng lương người lao động. Vênh vênh váo váo, hết ngồi Volga, lại leo lên Toyota… Tiệc tùng lu bù, chén chú chén anh, lúc thì với Tổng Giám đốc này, lúc lại với Thứ Trưởng kia. Ấy là còn chưa nói đến, nhiều lần còn cun cút hầu chuyện, hầu rượu mấy đứa ‘vương tôn công tử’, con của ‘lão thành’ này, lão thành nọ, thâu đêm đến rạng sáng, mà có thèm để tâm đến cội nguồn, người thân của mình ra sao? Đến những người đã phải bớt đi cả một miếng ăn, để dồn sức lo việc phục dựng lấy lại danh dự cho bố, cho gia đình dòng họ.

Ỏ nước Việt Nam ‘hiện đại’, thật khó để các thế hệ tiếp nối cảm nhận được những giá trị của danh dự, từ đó biết bảo vệ, đấu tranh cho danh dự. Người Nhật, người Hàn xây dựng được vị trí đáng kính trọng trước bàn dân thiên hạ, đều có gốc rễ từ điều đó, từ cái danh dự bản thân. Mãi rồi tôi mới ý thức được, rằng không biết bảo vệ danh dự bản thân, sẽ không có việc hy sinh bảo vệ danh dự cho dân tộc mình.

Tất cả chúng tôi hầu hết chỉ vì không được ‘dạy’, mà người ở trong nhà lại càng không dám dạy! Còn ở trường học, lúc lớn lên, họ thiên về việc chỉ dạy phải coi khinh cái bọn ‘bồi bút’, phải chì chiết đến tận xương tủy cái bọn ăn ‘bơ thừa sữa cặn’ của Thực dân, mà lúc đó, chính họ cũng không hẳn có được cái khái niệm cụ thể, về thế nào là bán nước? Nếu cứ thấy người nào thân với ngoại bang mà gọi là bán nước, thì…. Nhân loại toàn là lũ bán nước!

Hầu hết, cha tôi và các bác các chú tôi vẫn luôn thường trực cái nỗi sợ, nó đeo đẳng như những bóng ma khi nói đến ông nội tôi. Lúc đó, ‘Họ’ thương hại các con cụ Vĩnh lắm… Khốn nạn , ‘Họ’ bảo, sao toàn người giỏi mà khổ thế chứ?! Lận đận thế chứ?! ‘Họ’ biết vì sao?! Nhưng họ còn phải trung thành với cái quyền lợi, cái lý tưởng của họ, nên ‘Họ’ chỉ thương hại được thôi! Mà xét ra, thế cũng đã là ‘may mắn’ lắm rồi.

Để bào chữa cho những quá khứ mang đầy sự vô ơn, tôi bao biện, hay nói cách khác để né tránh bị lương tâm dằn vặt, tôi tự nhủ: ngày đó, cái duyên giữa tôi và ông nội mình chưa chín….

Nguyễn Dực 1921-2000. Con trai thứ 8 của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, là người đầu tiên dùng các thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện của cá nhân, dựng đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam tại Sở Thông tin Tuyền truyền Bắc Bộ (phố Đinh Lễ hôm nay) và phát sóng thử nghiệm sáng ngày 25/8/1945 với lời đọc của chính ông trên micro: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41 m ….”.

Trong ảnh, Nguyễn Dực tay cầm tờ báo (không đeo cavat) tại buổi lễ ở Hà Nội, kỷ niệm 50 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam.

Dấu ấn.

Tháng Giêng năm 2000, cha tôi qua đời(2). Sự ra đi của cha tôi là một cú sốc, để lại một dấu mốc quan trọng trong cuộc sống tinh thần, tình cảm của tôi. Tôi như kẻ sau một cơn ngủ mê mệt, chợt bừng tỉnh khi nhận ra cái cảm giác: Nhà mất nóc rồi! Mình mất bố rồi!

Cảm giác này, theo nghĩa đen, tôi đã được hứng trải khi còn là anh lính ở giữa rừng Trường Sơn. Ngày ấy, chúng tôi thường cố gắng dựng lán trại nửa nổi trên mặt đất, nữa chìm dưới lòng đất, theo kiểu dáng ngôi nhà, rồi dùng lá của cây lá nón để lợp mái. Làm được như thế, tuy vất vả nhưng bù lại, nó có cái cảm giác ấm cúng, cảm giác được bao bọc, được che chở, nhất là trong giấc ngủ vào những đêm giá lạnh của núi rừng. Nhưng nhờ có cái cảm giác ấy, nó đã nuôi sống niềm tin vu vơ cho mỗi người chúng tôi, hi vọng vào một ngày mai tốt đẹp.

Một trận bom B 52 vào buổi chiều muộn, không vào đúng chỗ mình ở, chỉ gần cạnh địa bàn mình đóng quân thôi, làm bay cái nóc bằng lá cây ấy. Giờ ấy, trời bắt đầu tối còn mong khắc phục gì được nữa. Cảm giác bị mất sự che chở ngấm vào tôi từ ngày ấy. Nhưng mãi đến lúc mất bố, tôi mới ngộ ra rằng, hôm nay nóc nhà nếu bay mất, ngày mai mình sẽ làm lại. Nhưng mất bố rồi… sẽ phải làm sao đây?

Thế rồi, tôi thấm thía nhận ra, dù nóc của ngôi nhà được lợp bằng ngói, hay bằng rơm rạ, hay kể cả là giấy dầu, lá cây, nhưng khi không còn nóc nữa, mới thấy nó trống trải đến thế nào…?!

Như để bù lại một phần mất mát, tôi nhận ra một điều khích lệ và đáng quan tâm qua đám tang của cha mình, khi tôi thấy có rất nhiều gương mặt khả kính đến chia buồn với mẹ tôi. Thậm chí, cả các anh chị là con của những người bạn thân của cha mẹ tôi, đã ra đi trước cha tôi, cũng đến để thắp nén hương nghĩa tình. Tôi ngờ ngợ hiểu rằng, cha mình có rất nhiều bạn bè nổi danh, ‘oai’ và có tiếng trong xã hội.

Rồi cái Tết đầu tiên năm tôi mất cha ập đến. Vào buổi tối Giao thừa, sau bữa cơm chiều Ba mươi, tôi bùi ngùi nói với vợ con trong gia đình nhỏ của mình:

“Bố phải về với bà nội, năm đầu tiên vắng ông, chắc bà sẽ buồn lắm….”.

Cả nhà nhất trí ủng hộ ý định của tôi. Tôi phóng xe máy về 43a Hàng Bài(3).

Đúng như tôi tưởng tượng trước đó, vào nhà nhìn thấy mẹ ngồi như người thất thần, mái tóc bạc vốn sơ xác, hôm ấy bà lại chẳng buồn chải, nó lõa xõa lại càng lộ cái vẻ u buồn, ảm đạm dưới ánh sáng hơi thiếu, do mẹ tôi chỉ để một ngọn đèn vàng vừa đủ để không bị gọi là tối. Tất cả anh chị em chúng tôi đến lúc đó mới lờ mờ nhận ra rằng, cha mẹ chúng mình không thể sống thiếu nhau được… Tôi tự thấy mình đã quyết định đúng để về bên mẹ vào cái đêm Ba mươi Tết năm ấy.

Tôi đang ngồi với mẹ, lúc này khoảng hơn mười giờ, đột ngột thấy có khách…. ông Dương Trung Quốc(4) đến. Tôi chỉ biết ông Quốc qua đôi câu chuyện, mà cha tôi  nhắc đến khi chuyện trò với tôi. Tôi mang máng hiểu, có vẻ như cha tôi tin ở con người ông Quốc lắm. Ông Quốc cầm trong tay một thẻ hương và một tờ báo. Trong đầu tôi vụt nghĩ đơn giản: sao ông ấy lại đến vào giờ này nhỉ?

Ông Quốc kính cẩn đặt tờ báo lên bàn thờ cha tôi, và thắp ba nén hương. Ông đứng khá lâu, ông khấn thành lời, ông nói nhỏ nên tôi không nghe được. Sau đó, ông ngồi xuống cạnh tôi, trên cái ghế tràng kỷ của cụ Vĩnh để lại, với đôi lời hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi, rồi ông quay sang nói với tôi thế này:

Hôm bác mất trong bệnh viện, anh có mặt ngay sau khoảng 30 phút, Bình nhớ không? Nhưng hôm tang lễ, anh không đi nổi, không phải anh bận hay đi đâu xa. Tất cả chỉ vì anh thương bác quá, càng nghĩ càng thương, một con người tận tụy cả một đời chỉ biết lao động, dâng hiến…. càng nghĩ càng xót sa, nên anh quyết định không đến vì anh không chịu được việc phải chứng kiến cảnh đám tang của bác.

Hôm nay, giờ thiêng nhất trong một năm, anh đến thắp nén hương cho bác. Anh mang tờ báo Sài Gòn Giải Phóng, có bài nói về việc trong đó quyết định đặt tên một con đường mang tên cụ Vĩnh, anh đem đến thắp hương để cụ Vĩnh biết, bác biết”.

Mẹ tôi từ chỗ khóc rấm rứt khi nghe ông Quốc nói, rồi biến thành mếu máo thành tiếng, và tôi… còn mau nước mắt hơn cả mẹ mình.

 

Hết kỳ Một.

Chú thích:

  1. Nguyễn Kỳ (1918-2009), con trai thứ sáu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  2. Cha tôi Nguyễn Dực (1921-2000), em liền kề của ông Nguyễn Kỳ.
  3. 43a phố Hàng Bài, ngôi nhà của bố mẹ vợ Nguyễn Dực. Sau khi Nguyễn Dực từ kháng chiến về (1954), không còn mảy may điều kiện cuộc sống nào cho gia đình nhỏ, đặc biệt bên gia đình nội đã tan hoang sau việc Nguyễn Phổ (1917-1997 – con trai thứ năm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh) bị bắt “oan” năm 1955 và đi tù 17 năm. Nguyễn Dực đã xin bố mẹ vợ về ở nhờ tại 43a Hàng Bài cho đến lúc chết.
  4. Dương Trung Quốc sinh năm 1947, con của một liệt sĩ chống Pháp. Ông là Đại biểu Quốc hội từ năm 2002 cho đến nay (4 khóa).

===============

 

9 Responses

  1. Cám ơn tư liệu bổ ích về buổi phát thử nghiệm Đài Tiếng nói Việt Nam, 25/8/1945. Anh cho hỏi thêm địa chỉ ở nhà số mấy Đinh Lễ?

    1. Xin cảm ơn anh Vũ Xuân Tửu, và mời anh đọc bài ĐÂY LÀ TIẾNG NÓI VIỆT NAM, viết ngày 22/8/2012. Hoặc anh có thể xem các bài liên quan đến NGUYỄN DỰC.
      NLB.

  2. Tôi rất trân trọng và hứng thú đọc những trang viết của anh về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Anh không hề là “người ngoại đạo” xét về thực chất công việc anh đã làm được cho học giả Nguyễn Văn Vĩnh-Nhà Văn Hóa Việt Nam Thời Hiện Đại và cho cả một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam đã bị xuyên tạc, đánh giá tùy tiện. Xin bày tỏ lòng kính trọng đối với anh và mong tiếp tục được đọc những trang viết chân thực của anh !
    Thân kính
    Phạm Khiêm Ich

  3. Cảm ơn anh Lân Bình đã gửi. Tôi cũng rất quý mến cụ Vinh nên đọc thích lắm và mong sẽ được đọc tiếp.
    Thân ái,
    Dịch giả Vũ Anh Tuấn

  4. Cờ đến tay ai người đó phất Bình ơi , cháu đích tôn bận thì cháu đích kẽm vẫn lao tâm khổ tứ vinh danh rạng rỡ được Ông nội của mình . Đó là công việc giúp cho nhiều người , dù chẳng phải con cháu của cụ cũng tự hào về bậc tiền bối Vinh Quang và Trí Tuệ của Dân tộc Việt Nam . Đó là Cụ Nguyễn Văn Vĩnh .

  5. Cảm ơn bạn nhiều vì đây là những tư liệu vô cùng quý giá về cụ Nguyễn Văn Vĩnh – người có công rất lớn trong việc quảng bá, truyền dạy chữ quốc ngữ ở buổi mới hình thành trên diễn đàn văn nghệ và báo chí.Việt Nam
    những năm đầu thế kỷ XX. Nếu có thể chúng tôi rất mọng có được một bộ sưu tập toàn tập Nguyễn Văn Vĩnh để làm tài liệu nghiên cứu và phục vụ đào tạo các thế hệ nhà văn, nhà báo tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network