Hương-sơn hành trình (Une excursion à Hương tích) – Đông Dương tạp chí số 43, ngày 12/3/1914

 

Thưa các quý vị độc giả!

 

Việc trải qua gần một thế kỷ luận bàn về con người và sự nghiệp của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh càng chứng minh sự đồ sộ của sự nghiệp mà ông để lại. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc trong buổi lễ kỷ niệm nhân 125 năm ngày sinh của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức tại thủ đô Hà Nội năm 2007: “Nguyễn Văn Vĩnh như một quả núi mà chúng ta chỉ là những kẻ đứng dưới chân, khi ngước lên không khái niệm được chiều cao của quả núi, chỉ khi thời gian trôi đi, như khi chúng ta đứng ra xa, mới thấy trái núi Nguyễn Văn Vĩnh cao thế nào…”

 

Như BBT trang web Tannamtu đã giới thiệu, lần này chúng tôi xin tiếp tục chuyển đến các quý vị độc giả loạt bài ký sự của Nguyễn Văn Vĩnh viết về chùa Hương năm 1908, khi mà nước ta còn chưa có nghành phát hành báo chí, chứ chưa nói về các thể loại bài viết trong kỹ nghệ làm báo. Bài viết Hương Sơn ký sự đăng lần đầu bằng tiếng Pháp vì lúc đó cả vùng Bắc Kỳ chưa có tờ báo tiếng Việt nào cả.

Đánh giá bài viết này của Nguyễn Văn Vĩnh, BBT, chúng tôi xin trích đoạn ý kiến của tác giả Nguyễn Thành đăng trên báo Nhân Dân cuối tuần số 35, phát hành ngày 29/8/1999 như sau:

“… Có lẽ mọi người đều công nhận trí thông minh tuyệt vời hiếm có của ông, một người làm báo, viết báo, dịch văn xuôi và văn vần chữ Pháp ra chữ Việt và ngược lại thật tài tình. Cho đến bây giờ vẫn có một số bản dịch chưa có người nào dịch hay hơn ông và các dịch giả vẫn coi ông là bậc thầy. Có người nhìn ông chỉ là nhà dịch thuật, không phải là nhà văn. Tôi không tán thành. Tôi cho rằng, văn ông thể hiện qua văn báo chí, ký sự, phóng sự, tùy bút, tiểu luận và cả văn dịch thật hay. Bài Hương Sơn hành trình do tác giả viết bằng chữ Pháp đăng trên báo Notre journal năm 1909, sau tự dịch ra chữ Việt, đăng trên Đông Dương tạp chí các số … là một bài ký rất hay, xưa nay chưa có bài thăm Hương Sơn nào viết hay như thế”.

Hương-sơn hành trình

(Une excursion à Hương tích)

(Tiếp theo)

Đông Dương tạp chí số 43, ngày 12/3/1914

Sớm hôm sau, mở mắt dậy, thì thầy nhà chùa, đem vào phòng cho mấy cái oản, vài quả chuối, đánh đổi cho hai nguyên bạc mình cúng hôm trước.

Bây giờ bụng thấy đói lắm, và đồ hành-trang của mình tuy có ít, mà đã lấy làm bận bịu lắm rồi, khó nghĩ được cách đem đồ lễ ấy vào chùa trong cho tiện. Suy tính mãi mới nghĩ ra một cách mang đi rứt gọn.

Năm cái oản và cái bánh khảo nhỏ mới đem xếp vào trong bụng, chắc hẳn rộng chỗ, vì từ khi vào chùa chưa được ăn uống gì. Còn người nhà thì cho nó mấy hào bạc nhỏ, nó đi lo lấy cái ăn.

Khi tôi đã no bữa cách nhà Phật như thế rồi tôi mới từ bỏ cái phòng êm ấm, đi qua một cái sân rộng, ở giữa có hai cái bể nước xây bán-nguyệt liền nhau, Annam ta lấy một việc công-trình và đẹp lắm; rồi tôi đi theo người ta lũ lượt, theo một con đường ngoắt ngoéo, hai bên cây cỏ rập rạp, khi lên lúc xuống, bậc thang gọt trong núi đá, mưa phùn xuống trơn như mỡ. Thú thật rằng chẳng văn-chương nào tả được cho hết những đường quai quắt kỳ khu ấy.

Các bà già nói rằng từ chùa ngoài vào chùa trong đường đi trải chín từng núi đá, là cửu-trùng thiên. Tôi cũng chẳng đếm được, không biết mấy từng, duy có một điều quyết được là chẳng phải đường đi xe mà cũng chẳng phải đường đi ngựa được, ai không muốn đi chân, duy chỉ dùng được một cách lịch-sự lười là đi đăng-sơn hoặc đi cáng mà thôi.

Trong khi đi đường có một điều lạ là lối đi gập-ghềnh, chân trẻ tôi còn lấy làm chật-vật như thế, mà các bà-già đi như bỡn, lẹ bước như tên, các cụ bảo thế mới biết đức Phật-bà-quan-âm ngài vạn-pháp muôn-linh khéo độ cho kẻ đi lỡi bái.

Thật thì là cái lòng sùng tín, là cái mơ tưởng của kẻ vô-học, nó khiến cho xương thịt người ta có một tính lạ, nó xui cho người ta nhắm mắt mà làm nên những việc đại-đức, cũng có khi thì dun dủi người ta làm nên những việc đại-ác. Trong những lúc đắm mê quái lạ ấy, đàn bà yếu ớt trèo được núi cao thoăn-thoắt; cụ già lụ khụ xuống được dốc sâu mà chẳng biết mỏi mệt nguy-hiểm chút nào.

Khi nào mà vật-lý mạnh hơn sức lòng tin, đầu-gối thấy quỵ, ống chân thấy chồn, thì đọc một câu “ Quan thế âm bồ tát!” bất cứ câu nào trong 500 câu, thì chân lại cứng, tay lại nhanh.

Bởi vậy cả toán đông người ấy, cứ vừa đi vừa thở, vừa gào :

Nam mô quan thế âm bồ tá á á át !

Người nào thuộc kinh nhiều thì lại đọc thêm :

Nam mô linh thông cảm ứng quan thế âm bồ tá át !

Gọi là cho nó khác điệu đi ít nhiều.

Rồi thì giây người cứ dập dình, cứ đi ngoe ngoáy, cứ vượt núi qua đồi, chân cứng nhẫm trên hòn đá trượt.

             Trải qua đèo này sang vũng nọ, như thế trong hai tiếng đồng hồ, lúc qua rừng cây rậm, khi trải đất bằng, cây cối trăm nghìn thứ mọc, nào cây lá gồi, nào cây xả, cây sắn kia củ nó ăn ngon gấp mấy củ mài rừng Báng, mà lá nó nấu canh các cụ ta sơi lấy làm ngọt thay mà bùi thay. Qua đấy rồi thì đến một quả núi cao , trên cao thấy người đông nhung nhúc xung quanh một cái lỗ tự-nhiên, khác nào như đàn kiến bò xung quanh miệng tổ.

Từ dưới mà liệu ước độ 50 thước tây, đường leo dốc ngược. Thiên-hạ len nhau mà trèo, người trên lôi người dưới, người dưới đội người trên mà đi, lên đến nơi thì có một cái hang tối mù, mấy lỗ ngoài khéo làm ra thành cửa ra vào.

Trước khi vào đến chùa trong, thì những người đi lỡi bái vào đó mà rửa sạch các bụi chần, tục gọi là chùa Giải-oan. Thiên hạ bầy đặt ra thế, cũng vì trên hang ấy lại có một cái hang con, trèo qua một cái thang tre thì vào tới, ở trong sườn đá luôn ẩm ướt có nước xì ra, trên vú đá lại có nơi nước rỏ-giọt, thiên-hạ lấy chai hứng lấy đem về cho trẻ uống lấy khước.

Từ chùa Trò vào đến chùa trong, đến chùa Giải-oan chưa được nửa đường, còn phải qua mấy rặng đồi núi, cũng chẳng có chi nên chép, duy độ lưng chừng có một nơi cửa võng, nghe đâu xưa là một cái cây lớn có cành vắt ngang bên này đường sang bên kia, nhưng bây giờ không thấy nữa. Duy chỉ có mấy cây lớn cũng chẳng khác gì cây khác, dưới gốc có vài cái miễu, thờ thần-linh thổ-địa hoặc bà cô ông mễnh chi chi, cũng đồng cũng cốt, cũng trống cũng đàn.

Lạ cho một điều là các vãi trèo từ dưới trèo lên thì chân dẻo thoăn thoắt, mà lên đến cửa võng thì người nào người nấy ngồi phệt xuống mà thở hồng hộc, chẳng mấy người thoát được sự thở ấy.

Những người sùng tín giải nghĩa rằng ai lên đến đó cũng phải thở ra cho hết hơi trần, hết lòng nham độc thế-gian rồi mới được vào đất Phật.

( còn nữa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network