Thế nào là văn-minh?

 

Như đã thông báo trong bài “Đông Dương tạp chí – tờ báo chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Hà Nội”BBT website tannamtu xin được gửi tới quý độc giả một số bài báo của Đông Dương tạp chí, phục vụ cho sự kiện 100 năm ra đời của tờ báo. Theo thứ tự, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển đến các quý vị độc giả theo trình tự 2 ngày 1 bài của các tác giả là thành viên của Ban Biên tập Đông Dương tạp chí. Bài đầu tiên trong loạt bài này, chúng tôi xin được gửi đến quý độc giả bài viết Thế nào là văn-minh” của tác giả Phan Kế Bính, số 35, ngày 8/1/1914.

121008_tieusuphankebinh

 

Thế nào là văn-minh (Ou est le progress?)

Số 35, ngày 8/1/1914

Hai chữ văn-minh đến bây giờ, người nước Nam ta động mở mồm ra ai ai cũng biết nói đến, dầu đến đàn-bà con-nít cũng nghe quen tai mà đôi ba khi nói dỡn với nhau. Nhưng xét ra thì chỉ quen mồm mà nói, cũng như bà vãi tụng kinh mà thôi, chứ hỏi đến nghĩa-lý thì phần nhiều người không hiểu ra làm sao, dầu có nhiều người cắt nghĩa được một vài phân, nhưng cũng chưa thấu đến ngành ngọn.

Văn-minh là gì? văn là văn vẻ, minh là sáng láng. Hai chữ hiệp lại làm một, thì là một sự văn hoa rực rỡ mà thôi. Nhưng có công văn-minh, có hiệu văn-minh. Có ngọn văn-minh, có gốc văn-minh, có hoa văn-minh, có quả văn-minh. Ta nên xét cho tường mà phân ra từng loại, thì mới biết thấu được nghĩa văn-minh. Nếu cứ thấy nói mà nói, thì nghĩa-lý lộn xộn, trí-hóa hồ đồ, không trách nào mồm nói lảm nhảm văn-minh cả ngày, mà hóa ra hủ lậu vẫn hoàn hủ lậu!

Than ôi, hai chữ đó có phải dễ dàng mà làm được đâu? có phải dễ dàng mà nói được đâu? Đừng tưởng rằng người ta cạo đầu là văn-minh, mà mình cạo đầu cũng là văn-minh ! Đừng nên tưởng rằng người ta cách ăn-mặc lịch-sự là văn-minh, mà mình ăn-mặc lịch-sự cũng là văn-minh! Đừng nên tưởng rằng người ta lên xe xuống ngựa là văn-minh, mà mình lên xe xuống ngựa cũng là văn-minh! Đừng nên tưởng rằng người ta lầu cao gác rộng là văn-minh, mà mình lầu cao gác rộng cũng là văn-minh !

Văn-minh có công, công là gì? Công là khó nhọc làm sao đặng cho gây lừng lẫy giống văn-minh. Văn-minh có hiệu, hiệu là gì? Hiệu là đã có công khó nhọc rồi mới có ngày được hưởng phúc văn-minh.

Gốc văn-minh là đầu sự văn-minh mới mọc ra; ngọn văn-minh là sự văn-minh đã mọc mà có đầu có ngọn; văn-minh là sự văn-minh đã sinh rườm rà ra ngoài ; hoa văn-minh là sự văn-minh đã rực rỡ tươi đẹp ; quả văn-minh là sự văn-minh đã thảnh rồi, có thể lưu-truyền cho con cháu hưởng sự sung-sướng, hoặc lấy giống mà gieo qua xứ khác cho trạch cập vặn dân.

Nói rút lại thì trước hết phải có gốc, rồi mới có ngọn, có ngọn rồi mới có lá, có lá rồi mới có hoa, có hoa rồi mới có quả. Gốc và ngọn là công văn-minh, mà lá, hoa, quả là hiệu văn-minh.

Trong một người cũng có riêng gốc, ngọn, hoa, quả văn-minh một người ; trong một nước cũng có riêng gốc, ngọn, hoa, quả văn-minh một nước.

Người ta mới bắt đầu đi học ấy là gốc văn-minh đó. Đi học đã mở được chút đỉnh trí khôn, ấy là ngọn văn-minh đó. Đã có trí không mới sinh ra công nầy chuyện nọ, kẻ nghĩ ra kỹ-nghệ nọ, người tìm ra cơ-sảo kia, ấy là lá văn-minh đó. Có công-nghệ trí sảo rồi thì lần lần mỗi ngày một hay làm nên hiển-vinh sáng sủa, ấy là hoa văn-minh đó. Đã hiển-vinh sáng sủa thì mình được hưởng sự sung sướng vô cùng, đó là quả văn-minh.

Trong một người như vậy thì suy ra trong một nước cũng như vậy. Trước khi dân còn dã-man, nhà nước phải mở mang giáo-hóa, đó là gốc văn-minh. Lần lần dân biết ham sự học hành, hiểu đường sinh-lý, đó là ngọn văn-minh, có gốc có ngọn rồi, mỗi ngày trí dân nảy nở, sinh ra công nghệ cạnh tranh, nông thương phát đạt, đó là cành lá văn-minh. Trí sảo đã đua tranh nhau như thế thì nước phải thành ra một nước thịnh vượng hiển vinh trong thế giới, chẳng khác hoa nở tốt tươi, hương thơm ngào ngạt, non sông tô điểm nên như gấm như hoa. Đến hồi đó thì hết thảy ai ai trong nước đều được hưởng sự thái bình sung sướng như là giống cây đã được đến ngày ăn quả rồi.

Vậy thì gây nên sự văn-minh ắt phải lâu năm chầy tháng, dùng biết bao nhiêu công trình mồ hôi, nước mắt mới được chớ không phải ngồi không mà văn-minh nó đến bao giờ; mà cũng không phải dùng công phu đơn sơ mà nên được văn-minh bao giờ. Nếu không xét cho đến gốc nguồn mà bạ thế nào cũng cho là văn-minh thì là văn-minh bề ngoài, văn-minh giả dối, văn minh có ngọn mà chẳng có gốc, văn-minh có lá mà chẳng có hoa có quả, thì sao gọi là văn-minh.

Vậy thời chớ nên thấy người ta nói chữ văn-minh mà cũng bắt chước nói chữ văn-minh, vì người ta đã thiệt hiểu nghĩa thời người ta mới nói, chớ ta thì còn lõm bõm, biết chưa tinh tường, mồm ta nói văn-minh mà bụng ta chưa được văn-minh, người chứng nào vẫn tật ấy. Đầu húi tóc đội mũ, giầy tây áo dạ bảnh bao mà hỏi đến chữ thì đặc như cán mai; tay cầm sách đọc những chữ duy tân mà cờ bạc rượu chè vẫn thành thánh. Chốn hương-thôn thì tuy có gội nhuần được ít nhiều tân-hóa mà có kẻ vì khẩu giấy miệng thịt tranh kiện nhau vẫn còn nhiều. Bực sĩ-hoạn thì tuy đói cố được nhiều phần mà hết gian tham của dân vẫn có người chưa dứt. Như thế mà động mở mồm rya nói chữ văn-minh thì văn-minh cái gì?

Dân ta bây giờ ví như một cây văn-minh mới giồng, nhà-nước mở ơn dạy dỗ, còn phải vun sới, còn phải bón tưới. Hai chữ văn-minh ấy đợi khi nào kết quả thì tự nhiên có người khen mình, chớ mình không phải nói ra làm chi, ta nên phải biết rằng văn-minh là văn-minh cái trí-khôn, văn-minh cái nết tốt, chớ không phải văn-minh cái đầu, cái mặt cái chân, cái tay. Văn-minh là văn-minh đường học hành, văn-minh đường công-nghệ, chớ không phải văn-minh chi những điều phù hoa lịch-sự bề ngoài. Biết văn-minh thì chân đi đất cũng là văn-minh, không biết văn-minh thì dầu nhà 3 từng, gác 4 mặt mà hủ-lậu vẫn là hủ-lậu.

Vậy thì 2 chữ này không phải dễ dàng mà nói được, mà có muốn nói thì nên phải hiểu nghĩa cho tường. Vì hai chữ ấy là hai chữ hay mà nếu nhận nghĩa lầm thì té ra lại thành 2 chữ dở, tôi e lại đem 2 chữ văn-minh ra mà nhiếc nhau chớ chẳng không đâu.

Ph. k. Bính

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network