MÔI SINH VĂN HÓA (Giới thiệu sách mới phát hiện)

Thưa các quý vị và các bạn! Tháng 11 năm 2018, trong bài trả lời phỏng vấn một nhà báo về sự kiện ra mắt cuốn sách Hoa Một Mùa do Nhà Xuất bản Phụ Nữ phát hành, nội dung bao gồm toàn bộ các sáng tác ở các thể loại của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, con trai thứ tư của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã bộc bạch suy nghĩ chợt đến trong ý thức, về một môi sinh văn hóa mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã tạo ra cho các con mình ngay từ những thập niên đầu ở thế kỷ trước, khi mà đời sống văn hóa xã hội ở Việt Nam còn vô cùng nghèo nàn và tăm tối. Phần cuối của bài trả lời phỏng vấn được đăng trên website Tannamtu.com ngày 24/11/2018, tôi đã nêu nguyện vọng, nếu được, trong tương lai, tôi muốn xuất bản một cuốn sách bao gồm các sáng tác, các bài viết chọn lọc của ba người con trai đầu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh tính từ người con cả là bác sĩ Nguyễn Hải, đến người con thứ ba là Nguyễn Dương (Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ tư).

Bác sĩ Nguyễn Hải

Việc tập hợp và xuất bản các di cảo của những người con trai lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhằm thể hiện những giá trị tinh thần quan trọng, sản phẩm và ảnh hưởng của một môi sinh văn hóa do Nguyễn Văn Vĩnh đã tạo ra cho các con lớn của mình, một thực tế khác rất xa với chính những người là em ruột của họ, nhưng được lớn lên muộn hơn vào bối cảnh, gia đình và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng. Bốn người con trai đầu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh gồm:
  • Nguyễn Hải (1901-1939), bác sĩ, dịch sách, viết sách và viết báo(1).
  • Nguyễn Giang (1904-1969) luật sư, kiêm nhà thơ, họa sĩ, dịch sách, và viết báo.
  • Nguyễn Dương (1913-1967), viết báo, chuyên gia thầu khoán.
  • Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), thi sĩ, viết kịch, truyện ngắn và viết báo.
Họ khác hẳn những người em ruột của mình nhìn từ góc độ sự nghiệp, tính cách, lối sống và những đam mê thường ngày so với những người em:
  • Nguyễn Phổ (1917-1997), thợ ảnh kẽm, tình báo ngoại tuyến Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Nguyễn Kỳ (1918-2009), cán bộ kháng chiến chín năm chống Pháp, chuyên gia ngành xây dựng kiến trúc.
  • Nguyễn Dực (1921-2000), kỹ sư vô tuyến điện, cán bộ kháng chiến.
  • Nguyễn Hồ (1923-2015), thương nhân, chuyên gia vô tuyến điện.
Sự khác biệt khá rõ này, phần nào phản ánh những biến động lịch sử của xã hội Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.

Bức ảnh chụp năm 1926 tại số nhà 13 phố Thụy Khuê, Hà Nội do F.H.Schneider giao lại cho Nguyễn Văn Vĩnh,

gồm có: Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Phổ, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Dực, Nguyễn Thị Mười và Nguyễn Hồ

Ở những góc quan sát khác của cuộc sống, rõ ràng sự khác biệt giữa sự nghiệp, hướng đi ở những người con, còn là hệ quả tất yếu của môi sinh văn hóa và cuộc sống tinh thần trong từng gia đình, ở từng giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.

Bức ảnh cuối cùng của các con cháu học giả Nguyễn Văn Vĩnh chụp năm 1955 tại ngôi nhà số 25 Nguyễn Gia Thiều Hà Nội, là nhà riêng của vợ bác sĩ Nguyễn Hải và cụ bà Nguyễn Văn Vĩnh. Sau những ngày chụp bức ảnh này, Nguyễn Phổ bị bắt với lý do làm gián điệp, ngôi nhà đã bị Chính quyền tịch thu vì vào thời điểm đó, Nguyễn Phổ đang ở nhờ nhà của mẹ.

Đây là một phạm trù lớn và rộng, phụ thuộc khá cụ thể vào những bối cảnh lịch sử của một đất nước như Việt Nam, một quốc gia có quá nhiều biến động, quá nhiều nhiều mâu thuẫn với nhiều dạng thức tồn tại khác nhau, nhìn từ nhãn quan chính trị xã hội và lịch sử. ————- Trong muôn vàn những chi tiết để chứng minh vấn đề có tính xã hội học nêu trên, lần này, chúng tôi xin trân trọng được giới thiệu với các quý vị và các bạn, một sản phẩm mới được phát hiện, liên quan đến chủ đề y học, gia đình và xã hội do Nhà Xuất bản Khoa học Phổ thông ấn hành tại Sài Gòn năm 1939. Cuốn sách khoa học đó có tên là: PHÉP NUÔI CON, là một ấn phẩm của bác sĩ Nguyễn Hải, người con trai cả của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bác sĩ Nguyễn Hải từng là tác giả của cuốn sách dịch nổi tiếng Trà Hoa Nữ của A. Dumas (con), và nhiều bài viết bằng tiếng Pháp trên tờ báo L’Annam Nouveau – Nước Nam Mới do cha mình sáng lập năm 1931 tại Hà Nội. Điều quan trọng hơn cần phải nhấn mạnh, về người đã quyết định giúp hoàn chỉnh cuốn sách để xuất bản, vì khi cuốn sách còn đang viết dở dang, thì bác sĩ Nguyễn hải qua đời do bệnh nặng. Người thực hiện tiếp phần còn lại, đó là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp(2), người đồng nghiệp của bác sĩ Nguyễn Hải, và là cộng sự chí cốt của Chủ nhiệm Câu lạc bộ KHOA HỌC TÙNG THƯ. Cuốn sách PHÉP NUÔI CON có LỜI THƯA TRƯỚC của bác sĩ Trẫn Hữu Nghiệp, với đầy lòng quý trọng bác sĩ Nguyễn Hải nói riêng, và gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh nói chung. Chúng tôi vô cùng trân trọng trước lời lẽ ngắn gọn, khiêm nhường và đầy tính nhân đạo của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một thứ cốt cách căn bản của những người làm nghề y chân chính, với nỗi lòng của lương tâm và đạo đức, vừa là đề cao bác sĩ Nguyễn Hải, vừa là giúp cho bạn đọc cảm nhận được ngay cái giá trị muôn thủa của tình mẫu tử nêu trong nội dung cuốn sách. Bác sĩ Trần Hữu nghiệp đã viết câu kết luận của LỜI THƯA TRƯỚC in trong cuốn sách như sau: “… Tôi xin mượn lời của tác giả ‘Việt Nam sử lược’ và thưa rằng: “Đây là áo vải vá trăm mảnh cho chị em tạm đỡ lạnh, còn lành và tốt, xin chờ thợ dệt áo tơ”. Tâm tình của người dẫn và cũng là đồng tác giả của cuốn sách khi viết lời thưa trước, tuyệt nhiên không phải là sự tung hứng của hai người đồng nghiệp có tâm, mà nó còn là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những kẻ luôn sống vì mọi người. Xin được trích một đoạn lời tựa của bác sỹ Nguyễn Hải viết trong cuốn sách: “… Vậy cha mẹ thương con, vì tình, vì phận làm cha mẹ, cũng nên tim biết rõ ràng những phương pháp vệ sinh nuôi con cho kỹ, từ lúc đậu thai, còn ẩn trong thân mẹ đến khi sinh ra, săn sóc thế nào cho con mạnh giỏi vững vàng. Cách nuôi con trọn tốt, trọn lành cũng là một sự cần kíp, làm cho lợi dân, lợi nước”. Nhân danh là kẻ may mắn trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhân danh là người cháu ruột của bác sỹ Nguyễn Hải, tôi xin mạo muộn thay mặt hậu duệ trong gia tộc, bày tỏ lòng biết ơn vô vàn trước vong linh của bác sỹ Trần Hữu Nghiệp, bằng một nén hương trên bàn thờ học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Cảm ơn bác sỹ Trần hữu Nghiệp, người đã dày công vì lòng kính trọng, và lương tâm nghề nghiệp, đã viết tiếp cuốn sách khi bác sỹ Nguyễn Hải để lại dở dang. Cảm ơn Nhà xuất bản KHOA HỌC PHỔ THÔNG – SÀI GÒN, đã quyết tâm cho xuất bản cuốn sách đầy nghĩa cử cao quý này. Dưới đây là nguyên văn lời bày tỏ của Nhà Xuất bản KHOA HỌC PHỔ THÔNG, SÀI GÒN in trên trang nhất của cuốn sách: “Kính tặng hương hồn Bác-sĩ Nguyễn-Hải. (Từ trần tại Dinh-Hạng, Rạch-giá ngày 26 Mai 1939) Sách nầy ra đời để ghi kỷ niệm một người chỉ để lại trên đời những nổi tiếc thương. Mong rằng nó sẽ là sự an-ủi lâu dài cho gia quyến người vắn số”. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn bạn Hoàng Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sách xưa, đã vì lòng quý mến website Tannamtu.com mà thường xuyên thông báo và gửi tặng chúng tôi những thông tin, tư liệu quý liên quan đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh và gia tộc, giúp cho kho tàng hiểu biết của hậu thế ngày càng dày dạn, phong phú, tăng thêm niềm kiêu hãnh chính đáng về những cống hiến cho đời của các bậc tiền nhân ưu tú trong gia tộc mình. Trân trọng! Chủ nhiệm trang tin Tannamtu.com NGUYỄN LÂN BÌNH. Ghi chú:
  1. Năm 1901, Nguyễn Văn Vĩnh làm việc cho Tòa Công sứ Pháp tại Hải Phòng. Khi sinh hạ người con trai đầu lòng, để ghi nhớ giai đoạn này, ông đã đặt tên con là Nguyễn Hải (tức Hải Phòng). Năm 1922, Nguyễn Hải được gửi sang Pháp và thi đỗ vào Đại học Y khoa Paris. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hải trở về Việt Nam vào lúc gia cảnh bắt đầu sa sút do sức ép chính trị của Nhà Cầm quyền đối với Nguyễn Văn Vĩnh. Những năm sau đó, ông bị mắc bệnh lao và tìm vào Nam kỳ với hy vọng điều kiện thiên nhiên sẽ thuận lợi hơn cho việc điều trị. Đáng tiếc, ông đã không qua khỏi khi mới có 38 tuổi, và để lại sáu người con, trong đó, sau này có hai bác sĩ nổi tiếng là Nguyễn Lân Đính và Nguyễn Lân Giác.
 
  1. Theo chỉ dẫn của các nhà nghiên cứu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, là trí thức cách mạng lão thành của nước Việt Nam XHCN, và là thân phụ của giáo sư kinh tế học Trần Hữu Dũng thuộc Đại học Wright State ở Dayton. Bang Ohio, Hoa Kỳ. Hiện giáo sư Trần Hữu Dũng, là tác giả của trang website viet-studies nổi tiếng mà báo New York Times đã từng tặng danh hiệu: Điểm hẹn của tri thức toàn cầu.
===============                                                  

6 Responses

  1. Cám ơn anh Bình, em đã xem, bài viết rất tốt. Em chỉ hơi tiếc anh không đưa nốt về lời tựa của Dr Nguyễn Văn Thinh.
    Em Minh

  2. Bình ơi, cuốn sách của ông Hải quý nhỉ, tôi không ngờ ông Hải cũng viết & dịch sách, tôi cứ nghĩ ông ấy mất sớm. Xem cái bức ảnh cuối cùng chụp ở nhà 25 Nguyễn Gia Thiều tôi còn nhận ra ông Trác & ông Trí. Chắc nó khoảng đầu năm 1955 ông Trác đưa ông Trí về HN trước và gửi bà ngoại còn bà Mười với 2 chị em tôi về sau, chỉ sau bức ảnh này rất ngắn thì ông Trác bị bắt, hai chị em tôi cũng được gửi về với bà ngoại nhưng cũng chỉ 1 thời gian ngắn là ông Phổ bị bắt, chắc chỉ cuối năm 1955. Lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi nhưng ấn tượng của tôi về sự kiện ông Phổ bị bắt vẫn hằn sâu trong trí nhớ
    Vân

  3. Right here is the perfect website for anybody who really wants to find out about this topic. You realize a whole lot its almost hard to argue with you (not that I really will need to…HaHa). You definitely put a brand new spin on a topic that has been written about for ages. Excellent stuff, just excellent!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network