GIÁO SƯ SỬ HỌC PHAN HUY LÊ NGHĨ GÌ về DỊCH GIẢ, NHÀ BÁO NGUYỄN VĂN VĨNH

(Bài viết từ biệt Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, giáo sư Phan Huy Lê – 23.6.2018)

Đầu những năm 2000, lần đầu tiên tôi được biết đến tên người là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (HKHLS.VN), giáo sư Phan Huy Lê.

Là một kẻ ngoại đạo như đã tự xác nhận, tôi không thấy cuộc sống của mình có liên quan gì đến Hội Sử học, nếu không có một ngày tôi đắm mình vào đề tài dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 2002, nhờ cuộc tọa đàm về Nguyễn Văn Vĩnh do ông Dương Trung Quốc, lúc đó là Tổng Thư ký Hội Sử học chủ trì, được tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng VN, tôi được nghe qua các nhà khoa học là khách mời, nói đến vai trò của giáo sư Phan Huy Lê.

Năm 2004, cuốn từ điển Văn học Việt Nam bộ mới ra đời, tôi chủ động đi tìm giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người chủ biên đề mục Nguyễn Văn Vĩnh nêu trong từ điển, để trao đổi về một vài chi tiết, đã làm tôi không yên tâm, vì không đúng với những tư liệu về Nguyễn văn Vĩnh. Qua giao tiếp với giáo sư Huệ Chi, tôi loáng thoáng hiểu về vai trò của giáo sư Phan Huy Lê.

Năm 2005, lần đầu tiên tôi tổ chức mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo… về thắp hương khu mộ gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh tại Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội. Trong buổi lễ, nhiều vị khách tham dự đã nhắc nhiều đến giáo sư Phan Huy Lê và vai trò của ông trước đề tài Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 2006, khi tôi quyết định xây dựng bộ phim tài liệu về con người, sự nghiệp và gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, tôi lần mò đặt chương trình đi tìm, xin gặp và phỏng vấn các nhà chuyên môn trong lĩnh vực khoa học xã hội và chính trị, trong đó có giáo sư Phan Huy Lê.

Năm 2014, tôi viết cuốn sách của cá nhân có nhan đề: “Tôi và ông nội”. Trong nhiều nhân vật tôi đề cập trong cuốn sách, có giáo sư Phan Huy Lê.

Để tiễn biệt giáo sư Phan Huy Lê sang một thế giới khác, tôi xin phép được trích đăng đoạn văn trong cuốn sách của tôi, đoạn viết về giáo sư Phan Huy Lê.

Tôi đã từng hy vọng có một ngày, giáo sư Phan Huy Lê sẽ đọc những dòng này của tôi, nhưng hôm nay, hy vọng đó sẽ mãi mãi chỉ là hy vọng.

Xin được thay mặt hậu duệ của gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, kính cẩn nghiêng mình cầu Trời, Phật và các Thánh thần che chở vong hồn của giáo sư Phan Huy Lê để lúc nào cũng được thanh thản, mát mẻ và linh thiêng!

BBT. Website Tannamtu.com

NGUYỄN LÂN BÌNH.

Trích đoạn nói về giáo sư Phan Huy Lê trong cuốn sách cá nhân

“Tôi và ông nội”:

“Sau chuyến đi sang Pháp làm một số trường đoạn cho bộ phim về Nguyễn Văn Vĩnh, cùng đạo diễn Trần Văn Thủy và quay phim Nguyễn Sỹ Bằng tháng 9 năm 2006, tôi rà soát lại dự định của mình về việc gặp gỡ, phỏng vấn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Cuối cùng, ngoài hai trường hợp tôi quyết định hủy kế hoạch tìm gặp là giáo sư Trần Văn Giàu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ còn một người mà đã bị hoãn đến ba lần, vẫn chưa thực hiện được, đó là gặp, phỏng vấn giáo sư sử học Phan Huy Lê.

Ông Thủy đã tỏ ra thất vọng đến mức sốt ruột, và khó chịu khi thấy tôi cứ đeo đuổi cuộc hẹn với ông Phan Huy Lê mãi mà chưa thực hiện được sau ba lần lỡ hẹn. Ông Thủy nói với tôi hơi dằn giọng:

Thôi đi Bình ơi, tại sao cậu cứ nhất nhất phải gặp ông Lê?! Ông ấy cũng chỉ là công cụ của cái chính quyền này thôi. Ông ấy là giáo sư đầu ngành thật, nhưng là đầu ngành của chế độ này thôi, chứ có phải là đầu ngành Sử học của một đất nước cộng hòa đâu. Ông ấy mà phát biểu, cũng sẽ chỉ nói chung chung thôi…”.

Riêng với tôi, tôi nhận thức khác.

Thứ nhất:

Về mặt ngôn thuận, giáo sư Phan Huy Lê là người đại diện cho nghành sử học của VN, một quốc gia danh chính trong trường quốc tế. Ông có thể sẽ, hoặc không nói những quan điểm cụ thể của mình về cụ Vĩnh, và những điều ông sẽ phát biểu, cũng không quan trọng sẽ phải là tích cực hay tiêu cực.

Quan trọng là ông Lê sẽ phát biểu về Nguyễn Văn Vĩnh, về một nhân vật lịch sử với quá nhiều tranh cãi đã kéo dài trong quá khứ. Những ý kiến của giáo sư Lê, phải được hiểu là quan điểm, nhận thức, thậm chí được gọi là đánh giá của một nhà khoa học của một Quốc gia! Việc xã hội và hậu thế sẽ chấp nhận ra sao, đồng ý đến đâu, còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, tính khoa học, và quan điểm chính trị của người quan tâm, và đó là chuyện của đời sau.

Tôi cũng cảnh giác, rằng giả thiết giáo sư Lê sẽ nói: đây là ý kiến riêng của tôi…., theo kiểu né tránh của không ít quan chức VN sợ trách nhiệm, nhưng do rơi vào những tình huống bắt buộc phải phát biểu về những đề tài ‘nhạy cảm’, thì với tôi, tôi lại nhìn thấy một giá trị khác của lời phát biểu.

Tôi yên tâm khi nghĩ rằng, chuyện riêng hay chung đều vẫn thể hiện vai trò xã hội của ông, hay dở, vẫn là ý kiến của một vị Chủ tịch đầu ngành Sử học VN, dứt khoát tôi phải xin bằng được việc phỏng vấn giáo sư Phan Huy Lê về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh.

Giáo sư Phan Huy Lê cùng một số nhà nghiên cứu 

xem bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” tại nhà riêng ông Nguyễn Lân Bình năm 2008

Thứ hai:

Trong phim, mình đã lấy ý kiến của nhiều người làm chuyên môn về khoa học lịch sử, về tư tưởng văn hóa, về xã hội học và không thấy có ai nói tiêu cực về cụ Vĩnh. Thậm chí giáo sư sử học Chương Thâu, còn thành thực đến mức ngạc nhiên nói với tôi, sau khi được phỏng vấn về cụ Vĩnh rằng:

Tôi phát biểu về cụ Vĩnh thực ra là sự sám hối thôi Bình ạ, vì ngày xưa, chính tôi cũng đã từng giảng linh tinh cho sinh viên về cụ. Sau này, đọc nhiều hơn, hiểu rõ hơn mới thấy mình nhố nhăng quá. Cám ơn Bình đã cho tôi cơ hội!”.

Từ góc độ này, tôi lại càng rất muốn biết ông Phan Huy Lê sẽ nói thế nào về Nguyễn Văn Vĩnh, về một người từng bị gán danh nghĩa xấu: Bồi bút!

Buổi hẹn lần thứ tư với ông Lê được thực hiện tại nhà riêng của ông. Đặc biệt, khi tôi đến tìm ông để thống nhất lịch công tác, ông đã nói với tôi với thái độ tự thú một cách dễ chịu như thế này:

“Mình xin lỗi quá, khất đến mấy lần rồi mà vẫn chưa gặp nhau được. Chết, nói về cụ Vĩnh mà cứ hoãn lên, hoãn xuống thì thật không nên. Thôi, mình thống nhất đi…. À, đạo diễn Trần Văn Thủy chứ gì, ừ được đấy! Các cậu đến thẳng nhà mình đi, khỏi phải tìm chỗ nào cho nó phức tạp…. Thế nhé, mình xin lỗi Bình nhé. Bình là con ông Dực đúng không…?”.

Khi nhóm làm phim đến nhà riêng ông Phan Huy Lê ở số 9 phố Vọng Đức (đường phố tuổi thơ của tôi – Tôi lớn lên ở phố Hàng Bài). Ông Lê tiếp chúng tôi vô cùng thân mật với cả sự trân trọng.

Gia đình ông Phan Huy Lê đã sẵn sàng đón chúng tôi bằng một bàn trà mới pha, cùng với đĩa hoa quả, điều này làm cho đôi mắt đạo diễn Trần Văn Thủy không dấu được niềm vui. Tôi lén lút quan sát thái độ và lời lẽ của ông Thủy, vì hình như ông Thủy không hy vọng sẽ có được cái không khí ấm áp như thế. Tôi thật mừng vì, ngay câu chào đầu tiên, ông Lê đã dành cho ông Thủy một sự dễ chịu không ngờ về tâm lý khi ông nói:

“Ôi, chào anh Thủy, Hà Nội trong mắt ai đây rồi….!”.

Chỉ có 10 phút xã giao, hỏi han giữa đôi bên, đồng thời cũng là để chuẩn bị máy móc, thiết bị. Ông Lê đề nghị vào việc ngay và ông không khách sáo để nói rằng, mình có rất ít thời gian.

Ông mặc sẵn com lê rất trịnh trọng. Ông ngồi vào vị trí của mình, nở một nụ cười thật hiền và nói luôn một mạch không nghỉ, khoảng hơn 30 phút.

Tôi thích thú và bị cuốn hút bởi cách nói của ông. Ông không dùng giấy tờ, không sách dẫn để sẵn. Hay nhất, theo tôi là khi ông nói, ông không ậm ừ theo kiểu hoãn binh để tìm từ ngữ hay ý tứ cho điều mình đang trình bày…. Tuyệt vời! Tôi âm thầm mãn nguyện.

Tôi mãn nguyện lắm, vì đã thực hiện được mong muốn gặp, nghe, quay phim và ghi lại những ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê bằng hình.

Tôi mãn nguyện chứ, vì một lần nữa, tôi lại chứng minh được với đạo diễn Trần Văn Thủy, rằng tôi đã đúng trong việc nhìn nhận, đánh giá và quan sát thế thái nhân tình, vì nếu tôi ‘nhát’ một chút, lười một chút, hẳn đã không bao giờ có được riêng một bài phát biểu của một vị giáo sư đầu ngành Sử học ở VNXHCN về dịch giả, nhà báo, nhà ngôn ngữ, nhà chính trị… và trên nữa, Nhà Tư tưởng khai sáng Nguyễn Văn Vĩnh (cách nói của giáo sư Phan Huy Lê).

Trên đường ra về, ông Thủy tỏ ra rất phấn chấn, với một chất giọng tưng bừng, ông bảo với tôi:

Hay quá Bình ạ! Này, hình như ông ấy đã nghĩ rất nhiều và từ rất lâu về cụ Vĩnh, cho nên, ông ấy nói rất rõ ý và rất khoa học. Mà ông ấy nói không dứt chứ… tuyệt vời, tuyệt vời quá Bình ơi! Cho nên, hôm trò chuyện với bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh), rồi quay ở nhà thờ cụ Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, tôi đã bảo với Bình rằng, bộ phim này mà không hay mới là lạ…!”.

Không lẽ lúc đó tôi lại đai lại ông Thủy rằng, em mà nghe lời anh thì …. Những chuyện tương tự như thế sảy ra nhiều lần trong quá trình làm phim giữa tôi và ông đạo diễn. Tôi luôn tự tin rằng, ông Trần Văn Thủy không thể hiểu sâu và rộng hơn mình về đề tài cụ Vĩnh. Tôi tự đắc lắm!

Sau buổi phỏng vấn ông Phan Huy Lê, còn diễn ra một sự kiện lạ lùng nữa mà tôi khẳng định với tất cả mọi người rằng không thể mua được bằng tiền!….”

Hết trích.

Giáo sư Phan Huy Lê phát biểu trong bộ phim tài liệu lịch sử về Nguyễn Văn Vĩnh

 

Trích lời giáo sư Phan Huy Lê trong tập 4 bộ phim

“Mạn đàm về Người Man di hiện đại”

Vấn đề đặt ra bây giờ là chúng ta nhìn nhận, đánh giá công lao và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh như thế nào cho thỏa đáng, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam vào thời kỳ cuối thế kỷ 19 và ba thập kỷ đầu thế kỷ 20.

Theo tôi nghĩ, nhiều mặt đã rõ ràng, cụ thể như: Nguyễn Văn Vĩnh là nhà Trí thức tân học, điều này rất rõ. Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những ông tổ của nghề báo mang tính hiện đại ở Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà dịch thuật được gọi là trứ danh. Nguyễn Văn Vĩnh là người phát triển chữ Quốc ngữ để có Nền Văn học chữ Quốc ngữ!

Tôi thấy những đánh giá này không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở đây là chưa thỏa đáng, hoàn toàn chưa thỏa đáng. Cần nhìn nhận bao quát hơn về toàn bộ con người và sự nghiệp của ông. Chúng ta cần đặt ông trong hoàn cảnh lịch sử khi ông tồn tại, Nguyễn Văn Vĩnh cần phải được tôn vinh ở vị trí xứng đáng hơn nhiều.

Theo tôi, cái cống hiến lớn nhất của Nguyễn Văn Vĩnh trước tiên đó là tư tưởng, ông và Phan Châu Trinh là những Nhà Tư tưởng Dân chủ đầu tiên ở Việt Nam. Hai ông đã tiếp thu rất sớm tư tưởng dân chủ ở phương Tây. Cách vận động tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh đã thấm vào Việt Nam, nhưng qua con đường văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, nó thấm sâu hơn vào lòng người.

Tôi đánh giá rất cao Nguyễn Văn Vĩnh về phương diện này, ông là một trong những Nhà Tư tưởng Dân chủ có tính khai sáng ở Việt Nam. Ông có con đường riêng của mình nhằm truyền bá Tư tưởng Dân chủ đó, thiên về phương diện văn hóa. Văn học và văn hóa bao giờ cũng đi sâu vào lòng người hơn….

2 Responses

  1. Anh Lân Bình khao khát một sự thật cần được công khai, minh bạch về Nguyễn Văn Vĩnh từ một chủ thể phát ngôn quan trọng. Với nghị lực và quyết tâm Anh đã toại nguyện.
    Qua lời phát biểu của Phan Huy Lê, thể hiện hai chủ thể quan trọng là:
    – “chúng ta” trong phát ngôn về sự cần thiết “nhìn nhận, đánh giá công lao và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh như thế nào cho thỏa đáng”.
    – “tôi” khi nói: “Nguyễn Văn Vĩnh cần phải được tôn vinh ở vị trí xứng đáng hơn nhiều.”
    Điểm nhấn quan trọng hành đầu trong nhận định của Phan Huy Lê mà những tư tưởng khai sáng cần lưu ý, đó là: ”Theo tôi, cái cống hiến lớn nhất của Nguyễn Văn Vĩnh trước tiên đó là tư tưởng, ông và Phan Châu Trinh là những Nhà Tư tưởng Dân chủ đầu tiên ở Việt Nam. Hai ông đã tiếp thu rất sớm tư tưởng dân chủ ở phương Tây. Cách vận động tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh đã thấm vào Việt Nam, nhưng qua con đường văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, nó thấm sâu hơn vào lòng người.”
    Hậu thế cần đặt câu hỏi về nhận thức và hành động của mình trước Bậc tiền bối.
    Xin thưa
    Nếu chúng ta khai thác thực hiện một cách bài bản, khoa học Tư Tưởng Dân Chủ Khai Sáng này thì chắc chắn con đường sáng Việt Nam đã rộng mở từ ngót một thế kỷ nay rồi.

  2. Vĩnh biệt GS sử học Phan Huy Lê, ông đã không còn để viết tiếp về sử học Việt Nam những giai đoạn mà ông muốn viết như CCRĐ hay NVGP. Giáo sư đã phát biểu rất chính xác về Danh nhân Nguyễn Văn Vĩnh.Trước kia Gs thích học khoa học tự nhiên một duyên nào đó đưa GS trở thành nhà sử học đáng kính. Con gái GS là PGS TS Vật lý lý thuyết Phan Thị Hồng Liên có lần tôi nhờ em chuyển tài liệu về cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 vì đó là cuộc mít tinh yêu nước cha tôi trong ban tổ chức và con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông Nguyễn Dực người đã phụ trách loa đài micrro cho cuộc mít tinh này và sau đó phụ trách micro để Cụ Hồ đọc tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi anh Lân Bình kể rằng Cụ Dực hai lần bị quy kết và suýt mất mạng..Bác Hồ đã phải khóc sau CCRĐ nhưng văn hóa xin lỗi ở Việt Nam còn kém lắm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network