VÌ DANH DỰ NGUYỄN VĂN VĨNH – PHẢI NÓI

(Phản hồi các ý kiến liên quan đến Văn bản lên án việc bôi nhọ danh dự dịch giả – nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh trên Văn nghệ TP. HCM)

Trước tiên, nhân danh người nêu kiến nghị, tôi trân trọng cảm ơn những ý kiến chia sẻ của các quý vị, các chị, các anh và các bạn đã gửi phản hồi qua các phương tiện truyền thông khác nhau, nêu suy nghĩ và tình cảm của mình trước sự việc báo Văn nghệ TP.HCM, số 493 đăng bài của tác giả Hoàng Phương, trong đó có đoạn lên án một cách thiếu cơ sở, thiếu hiểu biết, đầy ác ý và hoàn toàn sai về vai trò lịch sử của dịch giả – nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Chúng tôi nhận được sự động viên, chia sẻ một cách giản dị trong các ý kiến phản hồi, bình luận, của nhiều người từ các tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức và nhà chuyên môn, hiện đang công tác ở những cơ quan văn hóa xã hội từ TW đến địa phương.

Đã có nhiều người cho rằng, đề tài Nguyễn Văn Vĩnh đã tạo ra nhiều sự ‘tranh cãi’ nhất, tiêu tốn nhiều giấy mực nhất suốt một thế kỷ qua, giữa những người quan tâm, có tấm lòng với văn hóa lịch sử Việt Nam. Thực tế này, làm chúng ta liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn hóm hỉnh ‘Thầy bói xem voi’ đã có trong nhân gian không biết từ bao giờ.

Ngày 4/5/2018, tôi nhận được văn thư qua đường bưu điện của người có danh là Hoàng Phương, với địa chỉ gửi là: Tuần báo Văn nghệ TP. HCM.

Tôi nhận thấy ngay sự không bình thường của Người làm văn bản ký tên Hoàng Phương (nguyên văn trong thư), và tôi đặt câu hỏi: vì sao, người ký bức thư không viết là tác giả bài báo đã đăng, không ghi địa chỉ cá nhân, không có thông tin về số điện thoại riêng, và cũng không cho biết địa chỉ thư điện tử (Email), nhất là cách viết như muốn thể hiện mình là phát ngôn viên của báo VN. TP. HCM!

Chỉ một thực tế đó, đã chứng minh sự thiếu minh bạch của người đặt vấn đề, lên án một nhân vật lịch sử theo cách quy chụp, phương thức hành xử của kẻ độc đoán. Đồng thời, là sự thiếu văn hóa, coi thường đối tác, không tôn trọng, xây dựng khi trao đổi ý kiến về một vấn đề lịch sử, một con người cụ thể. Tôi nghĩ, vậy là ‘hèn’ khi không dám đối mặt với người khác chính kiến. Chúng ta có thể hiểu mục đích việc nêu sự việc gây bất bình, là mục đích gì? Phục vụ sự chỉ đạo của ai?

Tôi, Nguyễn Lân Bình, luôn sẵn sàng đồng ý đối diện, đối thoại với bất kỳ ai có suy nghĩ không đúng về dịch giả – nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nhân danh là người được gia tộc ủy nhiệm.

Tôi không thể cảm ơn người làm văn bản, cho dù người đó viết hàm ý như có sự đánh giá cao, rằng: “Ông Nguyễn Lân Bình, người cháu nội hiếu thảo…”. Đây là một cách nói mỉa mai, thiếu thiện ý, bộc lộ nhận thức bần tiện của người làm văn bản. Bởi lẽ, tôi không hành động chỉ vì sự ‘hiếu thảo’ đối với tiền nhân!

Điều đầu tiên bất cứ ai được làm kiếp người cũng cần học tính trung thực, tôn trọng sự thật, khinh bỉ sự lừa lọc, và sẵn lòng bảo vệ công lý. Đạo làm người là ở đó.

Người ký tên Hoàng Phương nên biết, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã từng xác định Nguyễn Văn Vĩnh là nhân vật lịch sử thế nào, trong bài điếu văn gửi từ Huế ra Hà Nội viếng tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8 tháng Năm 1936!

Người ký tên Hoàng Phương có biết (chắc chắn không biết), năm 1907, sau khi Nguyễn Văn Vĩnh hoàn thành việc dịch từ Hán văn sang tiếng Pháp, toàn bộ văn bản lịch sử của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh gửi Toàn Quyền Đông Dương, phê phán chính sách cai trị của Chính quyền Thực dân, có nhan đề “Đầu Pháp Chính phủ thư”, Phan Châu Trinh đã tìm đến nhà riêng của Nguyễn Văn Vĩnh ở 39 phố Mã Mây, Hà Nội để cảm ơn Nguyễn Văn Vĩnh, và Phan Châu Trinh đã nói những gì với Nguyễn Văn Vĩnh?

Người ký tên Hoàng Phương có biết, trong văn khố lưu trữ của Bộ Thuộc địa Chính phủ Pháp (Sau khi Bộ này giải tán, một phần lớn tư liệu về Đông Dương được chuyển vào Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp – CAOM, trừ những tư liệu đặc biệt về chính trị và quân sự được đưa vào cơ sở lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp), những biên bản của cơ quan an ninh Phủ Toàn quyền ở Đông Dương, có hàng xấp những hồ sơ theo dõi quan hệ giữa Nguyễn Văn Vĩnh với Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh với Phan Bội Châu, với Phan Vân Trường và cả với Nguyễn Ái Quốc? (Có thể ông Hoàng Phương không cần biết?!).

Người ký tên Hoàng Phương có biết, những thú nhận đầy cay đắng của Phạm Quỳnh với Nguyễn Văn Vĩnh, khi Phạm Quỳnh bị Nguyễn Văn Vĩnh phê phán việc chấp nhận làm Thượng thư cho Triều đình Huế năm 1932, mà theo Nguyễn Văn Vĩnh, đó là một bộ máy bù nhìn, không thể đại diện cho người dân An Nam, và là gánh nặng cho người lao động vốn là những người cùng khổ, của một đất nước khốn khổ?

Người ký tên Hoàng Phương trên Tuần báo Văn nghệ TP.HCM có biết, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh in năm 1942, được Hiệp hội biên soạn Tự điển và Bách khoa toàn thư của Cộng hòa Pháp, đã trang trọng đưa tác phẩm Kim Vân Kiều, vào bộ tự điển CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ (Dictionnaire des oeuvres de Tous les Temps et de Tous les Pays) ?

Người ký tên Hoàng Phương làm sao biết, Ngô Đức Kế (1878-1929. Người được viện dẫn là người đã có đánh giá thấp Nguyễn Văn Vĩnh, trong văn bản tôi nhận được ngày 4/5/18) và một số nhân vật khác vào những năm 1920, đã bài bác và chống lại việc phổ biến Truyện Kiều một cách gay gắt ra sao? Nếu làm theo các vị đó, hôm nay, người dân Việt Nam dựa vào đâu để được quyền hãnh diện khi thi hào Nguyễn Du, được công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới?

Người ký tên Hoàng Phương càng không biết, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy TP. HCM, khi giữ vai trò là Phó Thủ tướng, đã nhận định về Nguyễn Văn Vĩnh như thế nào trong diễn văn đọc tại buổi lễ long trọng kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ 1946-2006 tại Hà Nội?

Tôi có cả trăm trang giấy về những điều người ký tên Hoàng Phương không biết mảy may gì về Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng lại muốn dập vùi Nguyễn Văn Vĩnh.

Bài báo của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đăng trên báo Quân đội nhân dân

Việc nhận định sai về lịch sử xã hội ở từng giai đoạn lịch sử, việc khiếm khuyết trong cách đánh giá của một người nghiên cứu về những nhân vật và các phong trào cách mạng trong quá khứ, là chuyện thường gặp. Cụ thể, trường hợp một vị giáo sư có tên là Nguyễn Văn Trung, tác giả cuốn sách “Chữ văn quốc ngữ thời kỳ Pháp thuộc” in ở Sài Gòn trước đây, khi nhiều tuổi, nhìn lại mới thấy mình đã sai trong không ít những nhận định về một số nhân vật lịch sử, đặc biệt về giá trị của Đông Kinh Nghĩa Thục, và để sám hối, năm 2005, ông đã viết bài thú nhận những khiếm khuyết của mình một cách thành thật ra sao?

Người ký tên Hoàng Phương còn lố bịch đến mức, trong văn bản tôi nhận được ngày 4/5/18, đã nhìn nhận việc đặt tên đường ở thành phố lớn như TP. HCM là một sự tùy tiện, tự nghĩ ra… và không hề sử dụng quỹ tên đường do thành phố lập ra. Trong khi báo Tuổi Trẻ ra ngày 3/6/1999 và báo SGGP của Thành Ủy, đã rất thận trọng lấy ý kiến của nhân dân, tôn trọng nhận thức của người dân khi công bố kế hoạch dự kiến việc đặt tên mới cho 152 con đường ở TP. HCM, với vị trí xác định, chiều dài, lộ giới và chú giải về nhân vật lịch sử dự kiến đặt tên cho đường phố mới.

Trong mục chú dẫn số thứ tự 112, đã viết nguyên văn như sau:

“Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn, nhà báo, là người có câu nói bất hủ: ‘Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”.

Vậy người ký tên Hoàng Phương cũng dám nhân danh luật gia và là nhà báo sao?

Việc trích dẫn hồi ký Trần Văn Giàu, đoạn viết về Nguyễn Văn Vĩnh, người ký tên Hoàng Phương làm sao biết năm 1946, khi bầu Chính phủ đầu tiên của nước VNDCCH do Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước, Trần Văn Giàu đã nói gì…?

Cái lối nói sách mé thường hay diễn ra ở những người ít hiểu (tôi không định dùng một từ ngữ khác nặng nề hơn), khi người ký tên Hoàng Phương có đến 2 lần nhấn mạnh “…dẫu sao ông Bình cũng là người cháu nội rất hiếu thảo…”.

Cái cách nhìn nhân vật lịch sử, nhìn quá khứ lịch sử theo nhãn quan này, chỉ diễn ra ở những người thiển cận (không phải cận thị). Nguyễn Lân Bình hành động vì lòng liêm sỉ, vì sự thật về một Nguyễn Văn Vĩnh đã bị thời gian và lòng đố kị của một lực lượng cực đoan cố tình che lấp, nhằm phục vụ những mục đích không lành mạnh trong việc bóp méo lịch sử của dân tộc này, phục vụ ý đồ Đại Hán một thời mà thôi. Nguyễn Lân Bình muốn chứng minh với mọi người rằng, Người Nhà quê Nguyễn Văn Vĩnh, là niềm tự hào của trí tuệ người Việt, chứ đâu có chỉ là ông nội mình!

Nhật Bản, Triều Tiên, không phải là các quốc gia đông dân, không có đất đai rộng lớn, nhưng họ đã xây dựng được vị thế đáng trân trọng trong quan hệ với các nước lớn. Nguồn gốc sâu sa của sức mạnh đó, chính là nhờ có lòng hãnh diện, lòng liêm sỉ của một giống nòi mà người Việt gọi đó là lòng tự tôn dân tộc!

Nguyễn Văn Vĩnh có đại diện cho hệ tư tưởng hay trường phái xã hội nào trong lịch sử không? Điều đó không quan trọng!

Quan trọng, vì Nguyễn Văn Vĩnh là người đã tận tâm vì đồng bào mình, lao động không ngừng nghỉ cho một sự nghiệp được các chí sĩ tiêu biểu trong lịch sử của dân tộc gọi là dâng hiến. Nguyễn Văn Vĩnh lao động quên mình, chỉ để mong cho đồng bào mình thoát được cảnh nghèo khó về vật chất, đẩy lùi sự lạc hậu về tinh thần. Nguyễn Văn Vĩnh có lẽ sống, là muốn người dân một nước, hãy lấy tri thức, học vấn, trí tuệ, hệ quả của việc biết chữ để xây dựng cuộc đời mới. Từ đó, tạo dựng đạo làm người, cải tạo giống nòi, xây dựng một quốc gia đủ sức để đứng ngang bằng với ngay cả kẻ đang đô hộ mình, và cả những kẻ suốt đời lăm le muốn đô hộ mình, mà không phải lâm vào cảnh đầu rơi, máu chảy, thịt nát, xương tan.

Vô tình, tôi đã phản hồi việc người làm văn bản (đề ngày 29/4/2018, và tôi nhận được ngày 4/5/18) ký tên Hoàng Phương, mà lúc đầu tôi không có ý định ‘đôi co’ trên trang tin Tannamtu, vốn là trang tin không dành cho những việc như vậy, và tương tự như vậy. Chúng tôi không trả lời bằng văn bản người làm văn bản ký tên Hoàng Phương như tập quán xã giao hành chính, vì chúng tôi nhận thấy, đối tác thiếu sự chính trực trong cách hành xử song phương.

Đồng thời, những tư liệu minh họa trong bài viết này, tôi không dẫn kèm nguồn và mã tư liệu gốc, để tránh làm khó cho một kẻ kém hiểu biết không bị giật mình khi mơ ngủ, rồi xấu hổ đến mức hoa mắt trước một sự thật đầy ánh sáng Mặt Trời. Những tư liệu đó chỉ dành cho những người biết quý trọng sự thật, quý trọng công đức của những người đã hi sinh.

Chúng tôi sẽ không quên những diễn biến này trong quá trình phục dựng chân dung dịch giả – nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Người ký tên Hoàng Phương mỉa mai trong thư, việc tôi đặt Nguyễn Văn Vĩnh là dịch giả – nhà báo, mà không phải học giả hay danh nhân là sự biết điều…. Là một thái độ của kẻ hạ đẳng với đầy sự hiềm khích.

Gần đây, do chúng tôi tìm được tư liệu chính xác, qua đó, vào những năm cuối đời, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ tự nhận mình là dịch giả – nhà báo và từ chối những danh vị do người đương thời trao tặng. Điều này hoàn toàn đúng với bản chất của ông, vì ngay cả chức danh Thượng thư ông còn không cần, huân chương Bắc Đẩu ông còn không muốn, thì những danh vị khác đều không có ý nghĩa gì đối với ông. Nguyễn Văn Vĩnh sống và lao động không vì danh và cả không vì lợi là điều các tư liệu lịch sử đều không hề phủ nhận. Kẻ nào nào nói khác, đó là kẻ ngậm máu phun người!

Một lần nữa xin cảm ơn tất cả các quý vị độc giả gần xa, đã gửi ý kiến chia sẻ cùng những tình cảm trân trọng trước con người và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, phản đối việc xúc phạm Nguyễn Văn Vĩnh của người viết văn bản ký tên Hoàng Phương, đăng trên Tuần báo VN. TP. HCM số 493.

Chúng tôi tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi sự phản hồi của các cơ quan có trách nhiệm, vì chúng tôi đủ tư cách, nhân cách để thay mặt hậu duệ dịch giả – nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh tìm đúng vị trí cho bậc tiền nhân của mình, vị trí của một con người lương thiện và trung thực.

Thay mặt BBT.TNT.com                                                                 Hà Nội, 6/5/2018.

NGUYỄN LÂN BÌNH.

 

 

2 Responses

    1. Dạ, xin cảm ơn nguyện vọng đầy tính thiện tâm của độc giả Mạc Văn Trang!
      Đã từ nhiều năm qua, trang tin Tannamtu từng có được sự để tâm của một số trang mạng và báo điện tử nổi danh, thường xuyên xử dụng tư liệu từ một số nội dung của chúng tôi. Tuy nhiên, bên cạnh sự chung thủy của một số trang tin thường xuyên đồng tình, đã có những website hình như không yên tâm với mục tiêu của trang web Tannamtu, khi chịu tác động một số nhân vật suy nghĩ thiển cận với ‘luận điệu’: Vì ‘nó’ là cháu nội ấy mà…. Nó muốn nổi danh… Kèm theo một số những ý kiến xuất phát từ suy nghĩ ích kỷ, của một vài người có danh trong xã hội, đã im lặng (thực chất là quay lưng), thậm chí ngăn cản, hạ thấp giá trị thực của nội dung đề tài này. Đồng thời không muốn nội dung này phát triển, do có những xích mích cá nhân với người phụ trách trang tin.
      Gần đây, chúng tôi vô cùng hạnh phúc và thật sự biết ơn số lượng người đọc càng ngày càng tăng, điều này đã động viên chúng tôi rất rất nhiều. Chúng tôi luôn coi sự trung thực là nguyên tắc, đúng như bản chất của tiền nhân Nguyễn Văn Vĩnh.
      Chúng tôi đã và sẽ cố gắng hết khả năng trong việc nâng cao giá trị nội dung của tư liệu, bằng việc trình bày giản dị, chính xác, cùng với việc thông qua sự tự hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ và văn phạm, bên cạnh nhận thức đúng về thực trạng tinh thần của xã hội đầy biến động, để cung cấp đến các quý vị độc giả và các bạn bè gần xa, một đề tài lịch sử có thật, không khuếc trương, tô vẽ, nhưng cực kỳ phong phú và ấn tượng.
      Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn sự quan tâm của độc giả Mạc Văn Trang nói riêng, và các quý vị bạn đọc nói chung đối với Tannamtu.com!
      Phụ trách website: Nguyễn Lân Bình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network