SỰ NGHIỆP NGUYỄN VĂN VĨNH – Phần 3

 

Nguyễn Văn Tố đăng trên tạp chí “Tin tức – Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh”, cuốn số 16 : số1 và 2, từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 1936.

NguyenVanVinh0_thumb.jpg

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Tiếp theo phần 2.

… Không để mình bị cuốn hút vào công việc dạy học, hoặc để bị kìm hãm sau khi đã đạt được những thành công rực rỡ là do ông đã khởi đầu sự nghiệp với những hoạt động từ Hội Trí Tri chúng ta. Công việc của Nguyễn Văn Vĩnh, khi đã tìm được nhiều cơ hội trong những hoạt động cụ thể, đã mở rộng thêm cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nhiều bản thuyết trình của ông, dù chỉ là những bài nói chuyện dành cho những đối tượng có trình độ sơ đẳng, song vẫn là những công trình khoa học, vì công trình nào cũng bộc lộ sự chăm chút đến tính chuẩn xác của nó. Nguyễn Văn Vĩnh không khi nào chịu đặt chữ ký của mình vào một đề tài mà nó không xứng với cái giá trị nội dung chân xác của nó. Tuy nhiên, dù đã từng tổ chức được nhiều cuộc thuyết trình và tọa đàm, cả bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Nam(12), dù nhiều bản thuyết trình thật sự có giá trị, song chúng vẫn khó có thể sánh được với những nghiên cứu của ông về các thiết chế, các phong tục và tập quán của các vùng miền ở Bắc Kỳ. Những đề tài đó, đã được ông khởi công nghiên cứu từ khi mới 25 tuổi đầu. Những công việc đó, đã kéo dài gần như không ngừng cho tới khi ông vĩnh biệt. Chính những hoạt động này đã giúp ông trở nên sung mãn suốt cả toàn bộ cuộc đời của mình. Vượt lên tất cả, chúng đã góp phần làm lan tỏa danh tiếng của Nguyễn Văn Vĩnh ra ngoài phạm vi xứ Bắc Kỳ.

Những hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh dưới các dạng thức hết sức khác nhau: Từ những buổi thông báo khoa học được tiến hành tại Hội Địa chính Hà Nội, hoặc những bản khảo cứu trình bày tại một số hội đoàn của các địa phương, đến các báo cáo được công bố trong các biên bản nghị hội của Viện Dân biểu…Có tới hàng trăm công trình nghiên cứu do ông tiến hành về các thiết chế và các tập quán, phong tục của người dân nước Nam.

Chúng ta không đề cao số lượng những công trình nghiên cứu đó, mà chúng ta cần nhìn thấy các mối liên hệ hữu cơ giữa các dữ liệu tản mát, nhưng đã được kết nối lại, để dựng lên thành một tòa lâu đài, vinh danh cái thành bang của đất nước An Nam này (xin đọc Cuốn sách nhà quê của ông in trong Đông Dương tạp chí, năm 1914, từ các số 48 trở đi). Danh mục sơ lược các tác phẩm của ông,  đã được trình bày ở phần đầu của bài viết này, cũng có thể, qua thực tế đó, đã giúp cho chúng ta có được một khái niệm về sự sung mãn đích thực của người bạn đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh. Đành rằng, khái niệm đó, dẫu sao cũng  chưa đầy đủ. Bởi lẽ, danh mục đó mới chỉ là sự thống kê những đầu mục các tác phẩm đã công bố đều kỳ qua các báo của ông, chứ chưa kể hết được những tác phẩm mà ông từng công bố riêng lẻ (một danh mục đủ nhiều để nằm gọn trong năm chục trang Bản tin nội bộ Hội chúng ta). Cần có một đôi mắt không biết thế nào là mệt, cần có một khả năng muốn không ngủ thì không ngủ, một điều kỳ lạ cho tất cả những ai từng đến gần ông, cần có cả một sức mạnh lẫn sự dễ dàng khi chạm tay vào công việc, để ông có thể tích lũy không ngừng nghỉ trong hơn ba mươi năm hết bài nọ sang bài kia, hết tác phẩm này sang tác phẩm khác. Nhưng có cái gì đó còn hơn cả số lượng, đó là tính đa dạng của các bài viết cùng các tác phẩm đó.

Một công việc vô cùng thú vị là, làm sao thuyết phục được những người ưa thích văn học khi họ tìm hiểu cách đọc sách của Nguyễn Văn Vĩnh, cách đọc cặm cụi như của nhà nghiên cứu pháp điển, đọc tới đâu ghi phiếu nghiên cứu tới đó. Bởi ta thấy, Nguyễn Văn Vĩnh viết quá nhiều, vì ta thấy, cách hành văn của ông chát chúa, châm chọc, õng ẹo nữa. Rồi ta còn thấy những phán xét của ông có dáng vẻ như là nghịch lý, nên nhiều người hình dung rằng ông đọc nhanh, ông đọc lướt qua để được tự do hơn khi đánh giá tác phẩm. Chúng ta nhầm rồi: ông suy nghĩ nhanh, ông ngay lập tức, tìm được những từ ngữ để diễn đạt những ý tưởng của mình. Bài viết của ông thường khi đã hình thành đầy đủ trong đầu,  khi ông đóng cuốn sách mới đọc lại, và bắt đầu viết ra ngay khi ông cầm tới cây bút. Đó còn là vì, ông đã nghiên cứu rất kỹ tác giả của cuốn sách đó.

Chúng ta tìm thấy những dẫn chứng không chỉ ở sự sâu sắc của những điều ông phán xét, mà còn ở những trích dẫn bất ngờ được rút ra từ những đoạn văn chẳng mấy ai để ý tới, song lại lột tả rõ, khi thì cái chiều sâu, khi thì cả cái lai lịch, nguồn gốc của một tư tưởng. Không có độc giả nào đáng gờm hơn Nguyễn Văn Vĩnh; đó là một thẩm phán dự thẩm không bỏ sót một tình tiết nào, không quên ngay cả những lời khai khi chính bị cáo đã quên mất… Bởi, ông cũng là viên lục sự của chính viên dự thẩm và viên lục sự đó là người giữ các bản khai cung hết sức ngăn nắp, giúp cho viên dự thẩm Nguyễn Văn Vĩnh.

Nơi ta cảm nhận được rõ nhất sức mạnh của cái sắc sảo Nguyễn Văn Vĩnh ấy là, trong các suy nghĩ tổng quát mà ông rút ra được từ các dữ kiện được ông đề cập tới. Từ các sự kiện đó, thành quả của sự trải nghiệm riêng và sự trải nghiệm của các thế hệ đã đi trước, được ông thâu tóm lại, được ông cô đúc lại dưới dạng phương ngôn. Ở đó, ta thấy có sự tinh tế kín đáo, cả sự châm biếm nhẹ nhàng. Những phương ngôn đó, chứng tỏ một sự hiểu biết hiếm hoi đối với bản chất con người, và chúng chứng minh một bộ óc sâu xa, một trí não không chịu bị đánh lừa vì những lý do vô nghĩa và những bề ngoài giảo trá.

Đây, để ta nhâm nhi, nếm náp những gì được rút ra từ cái tâm, huyết của nhà đạo đức học, thông qua một bài văn trích từ tạp chí Notre Journal  số ra ngày 7 tháng 9 năm 1909:

 “… Để đánh giá được mức độ cần thiết của việc thực thi một dự án có tầm cỡ đến như vậy (dự án thành lập hội Hữu nghị Pháp-Nam nhằm ổn định và phổ cập chữ quốc ngữ), ta cần hiểu biết tiếng Pháp, cùng với người cai trị nhân danh người bảo hộ chúng ta, đã tỏ ra xa lạ với chúng ta, thậm chí bất cần biết ta là ai? Hiểu ta đến mức độ nào, so với mức hiểu biết chúng ta của những kẻ xa lạ khác, như người Hoa chẳng hạn.

Ngược lại, có những chứng cứ lịch sử đã minh chứng rằng, tại nơi có nhiều tộc người hạ đẳng ở châu Mỹ, châu Phi và châu Đại dương, những kẻ đi thôn tính chỉ có thể duy trì được thành quả của sự chinh phục với điều kiện sống hòa đồng với phong tục, tập quán của chính cái xứ sở, nơi bị xâm chiếm. Chứng cứ, ta có thể lấy từ các cuộc thống trị của người Hoa đối với nước Nam so với cuộc thống trị của người Mãn Châu tại Trung Hoa. Tại đây, những kẻ thống trị [Mãn Châu] đã tiếp thu phần lớn những phong tục, tập quán của những kẻ chiến bại để tiếp tục làm chủ họ, thay vì chỉ biết áp đặt phong tục, tập quán của kẻ cai trị lên kẻ bị trị.

Rất có thể nước Pháp đủ mạnh để là ngoại lệ cho cái quy tắc vẫn luôn luôn đúng này cho tới tận bây giờ ! Nhưng ta cũng có thể giả định một điều rằng, nếu như sau một nửa thế kỷ chiếm đóng mà nước Pháp vẫn chưa làm sao thống trị được xứ sở này, vẫn chưa chiếm được nó hoàn toàn, trong khi người Trung Hoa, trong tư cách một ông chủ bị truất ngôi, lại vẫn còn là kẻ cai trị thực sự, vẫn cứ còn là ông thầy thực sự của cả con người và cả cuộc sống ở xứ sở này. Thực tế như vậy, bởi người Tầu hiểu biết tường tận đất nước này,  họ sống cuộc đời của nơi này, họ nói ngôn ngữ của mảnh đất này, họ cùng ăn một chất dinh dưỡng với người dân này, họ cùng sống theo những tín ngưỡng và những phong tục, tập quán của những con người ở chốn này. Nếu như trước kia, các vị quan cai trị Tầu có đôi khi hành xử như những kẻ chuyên chế, thì người Trung Hoa, trong chốn riêng tư, khi họ sống trên mảnh đất này, họ vẫn luôn luôn sống cuộc đời như của người dân đất nước này. Đến mức, là người đàn bà Nam lấy chồng Tầu không hề cảm thấy bị hắt hủi khỏi môi trường hôn nhân. Trong các cuộc hôn nhân Tầu-Việt đó, các bà vẫn ngự trị ở cái vị trí mà người ta không thấy có trong các cuộc hôn nhân Pháp-Việt. Những mối quan hệ riêng tư giữa Tầu và Ta lại thân tình đặc biệt nữa. Các chú con Trời tốt bụng đó luôn luôn biết cách làm cho người ta quên đi cái ách trên cổ, các chú biết cả cách bù đắp sự bất bình đẳng mang tính thống trị và bị trị giữa hai dân tộc, và bù vào bằng một sự bình đẳng hữu hiệu giữa kẻ chiếm đóng và người dân bản địa trong cuộc đời riêng tư.   

Ở đây, người Pháp sống quá khác biệt, giữa người Pháp với nhau là một sự đoàn kết gắn bó quá đáng, so với mối quan hệ giữa họ với người dân bản xứ. Đến mức độ, có tình trạng chống đối ngấm ngầm kéo dài, thường xuyên giữa hai dân tộc. Người Pháp không chỉ không biết gì đến những con người mà họ đang sống cùng, mà ngay cả đến việc hiểu biết một cách kỹ càng những con người này khi muốn quan tâm đến họ, lại trở thành như thể một thứ thói hư, tật xấu mà một số người đã tìm cách giấu giếm với ngay cả những người đồng hương của họ do sợ bị trách cứ. Thật tệ, vì những người Pháp nào tỏ ra có sự yêu mến dân An Nam, lại đều bị mọi người trong số họ đối xử như thể tẩy chay vậy! 

Thể hiện và biểu lộ một sự dửng dưng tuyệt đối trước mọi cử chỉ, mọi hành xử và những thứ gì của người An Nam, dường như là một quy tắc ứng xử xã giao của dân Đông Dươmg (Pháp) vậy.

Ấy vậy, mà họ định theo cung cách đó để chiếm cứ xứ sở này, và biến nó thành một Tổ quốc thứ hai đấy!!! Người ta dựa vào tinh thần đó để trách cứ người An Nam là có tư tưởng giả dối, là có đầu óc hằn thù và ham muốn đòi được giải phóng. Người ta không cần quan tâm và để ý đến việc, trước khi những người Nam ấy sà vào đôi tay bảo hộ của người Pháp, họ phải yêu được người Pháp ! Họ phải biết chính xác người Pháp tới đây để làm gì ?! Và nếu đúng là người Pháp đến đây để định chiếm lấy họ, thì các vị cần làm sao cho họ tình nguyện nhận lấy sự tiếm chiếm đó. Họ phải tin được rằng, cuối cùng, dù thế nào, họ cũng không thể thiếu một ông chủ ! Nhưng để được như vậy, các vị hãy hành động cho xứng đáng với vai trò là những kẻ đi chiếm lĩnh. Vậy nhưng, xin hãy tin tôi rằng vẫn có những người An Nam e sợ vì, rất có thể, một ngày nào đó chúng tôi sẽ mất nước Pháp đấy !

Trong số ít những người Pháp đến Đông Dương, chao ôi, người An Nam thấy họ như những kẻ qua đường, đang đi bỗng dừng lại một chút vì ngỡ rằng đây là một châu Mỹ nữa ! Hình như, người Pháp luôn thất vọng thấy mình tới một chốn hệt như mọi nơi, và nhận ra rằng đã đến đây thì đành phải ở lại đây thôi, nếu muốn kiếm tìm hạnh phúc ở nơi này.

Không phải vì chúng tôi cố ý không nhìn thấy rằng, trên đời này không phải không có những người là thực dân chân chính, họ chỉ quan tâm việc khai khẩn đất hoang, lập nghịêp bằng cách đem lại cho dân bản địa công ăn việc làm, cuộc sống và hạnh phúc. Nhưng than ôi, những người như thế thiểu số biết chừng nào, và những nỗ lực quảng đại nhất của họ thì rồi cũng bị bóp nghẹt, cũng bị xóa sạch vì sự dửng dưng và sự hằn thù của đám đông quần chúng…!”

Chú thích:

(12) Nhiều bài nói chuyện của ông bằng tiếng Nam (sau đó in lại trên Đông Dương tạp chí) đã gây ra và đang còn gây ra những cuộc tranh cãi khá sôi sục tại Hội Tương tế Giáo dục. Nhưng ngay cả những tranh cãi đến mức căng thẳng –  chúng tôi thích thú được nói tới điều này – thì cũng vẫn rất lịch sự. Mỗi người chúng ta đều có ở đây những người bạn riêng của mình, có khi là gần gụi nhau vì những kỷ niệm đồng liêu và đồng nghiệp, có khi gần gụi nhau vì quan hệ họ hàng hoặc quen thuộc bình thường, hoặc gần gụi nhau vì có những đề tài nghiên cứu lâu bền cùng theo một hướng; nhưng chúng ta tôn trọng nhau; chúng ta đều quan tâm đến chuyện viết ra hoặc nói ra trước công chúng một từ nào đó mà không ai nghĩ được rằng chúng ta không coi trọng cái danh hiệu “đồng nghiệp” hoặc “đồng liêu” ta vẫn giành cho nhau. Trong công việc này, thực sự đã có một sự cải thiện các mối quan hệ trong Hội. Làm cách gì để lý giải được đầy đủ hiện tượng đó? Phải chăng là chúng ta tốt đẹp hơn những người đi trước, chúng ta tôn trọng nhiều hơn đến tính độc lập và nhân phẩm người khác, chúng ta không chấp nhận được những tình cảm xấu xa làm đen tối tâm hồn con người và chúng ta đau khổ trước những lời lẽ cay độc? Chúng ta muốn tin rằng giả thuyết vừa rồi có chứa đựng một phần sự thật. Chúng ta sẽ chẳng khước từ việc trao cho nhau lời khen như vừa rồi; nhưng qua sự đổi thay đó chúng ta nhìn thấy một điều gì nữa còn sâu xa hơn nhiều. Một mặt, từng con người chúng ta đều nỗ lực hết mình cho công việc của Hội, song chúng ta vẫn không cố thủ ở đó và chúng ta chẳng bị để cuốn vào đó một cách “gàn dở” như những người tiền bối vào cái thời như trước chiến tranh 1914 khi hầu như ai ai cũng có ảo tưởng là sẽ có một nền an ninh được bảo lãnh hẳn hoi và sẽ có một tương lai bảo đảm. Những thời khắc ta từng trải qua đã buộc chúng ta, tất cả chúng ta chẳng loại trừ một ai, càng lúc càng phải thoát ra khỏi cái vòng vây hạn hẹp của những công việc chỉ của riêng ta. Làm sao chúng ta có thể mê mải, đến độ tham gia hết mình vào chỉ một vấn đề như là chuyện cải cách hương thôn, một khi ở khắp châu Á, châu Phi và châu Âu đang diễn ra những sự kiện cực kỳ nghiêm trọng? Có cái gì bên trong chúng ta như một sức phẫn uất và giận hờn, chúng ta đã học cách giữ chúng lại giành cho những kẻ đang tìm cách phá hoại nền hòa bình. Như thế chúng ta có gì sai không? Hình như đó cũng chính là một tiến bộ, nhưng là một bước tiến được thực hiện mà chúng ta chưa có ý thức đầy đủ, một bước tiến nhờ hoàn cảnh bên ngoài xô đẩy mà thôi.

Trở lại với Nguyễn Văn Vĩnh, đây là vài trích đoạn các cuộc nói chuyện của ông như bên trên chúng tôi đã nhắc tới:

“… Học để mà học, chứ không phải học để làm quan, thì nước Nam ta thực hiếm. Có một vài ông là vào bực học cho lấy hay, lấy nghiệp gõ trẻ làm cái vinh-hạnh nhất trong thiên-hạ, nhưng chẳng qua biết nghề học là nghề nhàn, dạy trẻ cũng chỉ muốn nó như mình mà thôi, hai nữa là trong gia-thục gây nên được mấy thầy cử thầy tú, về sau nếu có ai làm nên quan nọ quan kia thì mình cũng nhờ vào cái nghĩa học-trò phải đội ân thâm mà thờ suốt đời, mà chắc không phải khốn khó, đã có lũ học-trò phải tư giúp. Còn như học để tìm lấy điều hay cho xã-hội, học để tra-khảo tạo-hóa cho tạo-hóa có điều gì bí-hiểm phải sưng ra cho nhân-loại thêm kiến-thức mà bổ cách sống ở đời cho thêm sung-sướng, bớt tật-bệnh, bớt khổ-não, thì cái học ấy ở nước Nam ta không có ai. Mỗi người đi học, là thiệt cho việc cần-lao chung một người. Hễ việc học của mình có công-hiệu, có đắc-dụng được cho thiên-hạ thì mới thực là đáng được trừ cái khó nhọc chung, chớ người đi học mà không hay được việc gì, thì thực là ăn lường cơm, mặc lường áo của xã-hội. Nói tổng lại, thì trong nước Nam ta cần-mẫn nhất chỉ có người làm ruộng, người làm ruộng xứ Bắc-kỳ với Trung-kỳ mà thôi, nhưng mà sự cần-mẫn ấy, nhà làm ruộng không biết lấy làm vinh-hạnh. Tay cầm cầy mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cầy có ích, mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn, tả cảnh trên giời dưới biển, thì cũng quăng đi ngay. Người đi buôn, người làm thợ thì lúc nào bất-đắc-dĩ phải vất-vả, thì vất-vả. Đến khi nhờ cái chàng cái đục, cái kim cái chr, mà có đồng dư, thì đi lo ngay cái hàn cái bát chi chi, nghề nhà giao cho lũ đầy-tớ không thèm làm nữa. Còn nhà nho thì khốn học, gia công đèn sách, cũng chẳng qua cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần-chú mở cái cửa công-đường. Làm đến quan chữ-nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa; thì cái cần-lao đó có gọi là cần-lao hữu-dụng được không? Vậy thì nên kết rằng người An-nam, thực có nết xiêng-năng chịu khó, nhưng mà cái nết ấy nên khiến cho nó có nghĩa-lý, có ích-lợi cho đời, mà phải biết quý cái xiêng-năng, chớ đừng có cho là một cái tội để rành cho kẻ kém âm-đức mà thôi. (Đông Dương tạp chí, số 11 ngày 24 tháng bẩy năm 1913: Xét tội mình).

“Học có hai bậc, một bậc sơ-đẳng để cho trẻ-con mới lớn lên, học lấy biết gọi là mỗi thứ một chút. Trong bậc ấy, học có ba năm, tưởng không nên dạy chữ Pháp một tí nào. Còn bậc trung-đẳng, để đi thi cử, để nên những bậc có tài năng ngày sau, chẳng phải hay chữ nho, mà cũng chẳng phải thông chữ Pháp, thực là những người thông quốc-văn, thì phải có học chữ Nho và chữ Pháp, chữ nho để mà am-hiểu lịch-sử nước mình, văn chương nước mình do ở đó mà ra; chữ Pháp là chữ của nước Bảo-hộ ta ngày nay, là chữ của ông thầy mới, mình trông mong mà học lấy thuật hay. Trung-đẳng học thì ta nên học cả chữ nho và chữ Pháp, nhưng Pháp-Việt học, thì lại nên bỏ đứt chữ nho đi. Lối học ta mới, còn gần lối học nho ngày trước, cho nên học chữ nho được  kỹ. Mà chữ nho đã học, không học dối được, ở các tràng Pháp-Việt mà đem dạy chữ nho thì dạy buổi nào, học trò thiệt mất buổi ấy. Phàm con trẻ An-nam đã vào học Pháp-Việt, toàn là đi học cướp gạo cả, chỉ muốn cho chóng thông tiếng Đại-Pháp mà đi làm việc hoặc để buôn bán với người Đại-Pháp. Họa là mới có một hai người, học tiếng Đại-Pháp để mà, tốt nghịêp chi hậu, lại còn chăm vào việc học cho quán-thông lịch-sử, luân-lý cũ nước Nam. Bởi thế ở các tràng Pháp-Việt, cứ hôm nào đến phiên mấy thầy giáo chữ nho dạy, thì học-trò cho như một buổi phải nghỉ, ngồi mà ngủ gật, trong khi thầy giáo viết lên bảng những bài học nhỡ nhàng, dễ quá cho kẻ biết rồi, khó quá cho kẻ chưa biết. Tổng kết lại, thì chữ nho chỉ còn nên giữ lại để mà dạy ở khoa Trung-đẳng Nam-học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa Cao-đẳng Nam-học, hoặc khoa ngôn-ngữ văn-chương ở cao-đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ nho. Bây giờ trẻ con xin nhất-quyết đừng cho học chữ nho nữa, mà các tràng Pháp-Việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho.”    (Đông Dương tạp chí, số 31 ngày thứ năm 11 tháng chạp năm 1913: Chữ nho nên để hay nên bỏ?).

 

One Response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network