SỰ NGHIỆP NGUYỄN VĂN VĨNH – Phần 2

Nguyễn Văn Tố đăng trên tạp chí “Tin tức – Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh”, cuốn số 16 : số1 và 2, từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 1936.

NguyenVanVinh0_thumb.jpg

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Tiếp theo phần 1.

…Cũng như đối với Molière, đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh của chúng ta có thiện cảm rõ rệt đối với Rousseau, người đã được ông dịch một vài trang tiêu biểu nhất (Mặt trời mọc, trong Đông Dương tạp chí, số 28 ngày 20 tháng mười một năm 1913, vv…). Thật vậy, giữa ông và J-J Rousseau có một sự tương đồng cần được giữ kín nhưng lại cần được đào sâu để xem xét. Cũng như Rousseau, con người làm việc hùng hục này, không thích thứ lao động cưỡng bức, không thích những công việc nghiên cứu được tiến hành đều đều. Việc giao tiếp với đời, cũng không phải là sở thích ở ông hơn là ở Rousseau, và công việc văn chương, ông cũng không trọng lắm.

Về lĩnh vực văn chương, ta thấy có một sự khác biệt; với J-J Rousseau, văn chương là hiện thân trong những nhân vật là nhà văn thời ông sống, đó là Voltaire với phong cách đặc trưng của ông ta. Theo hình ảnh của những con người đó, Rousseau có một ý niệm trước một lớp người tự do phóng túng và lắm mánh khóe. Còn với Nguyễn Văn Vĩnh, về cơ bản, khó có thể nói rằng việc ông không coi trọng văn chương, là do với tư cách một chủ nhà in và chủ một tờ báo, ông từng hiểu quá rõ trong lĩnh vực này, vào thời nay đã có biết bao điều vô đạo lý, nhưng ông không đả kích vào các tiểu thuyết đương đại. Ông chỉ thường hay nói rằng, về cơ bản văn chương là thứ đồ mạt vận, và khi cần lấy dẫn chứng, ông lấy từ hài kịch của Molière chứ không lấy từ những hiện thực trong tiểu thuyết của Zola.

Đối với trường hợp Rousseau, cảm tình của Nguyễn Văn Vĩnh giúp ông phân định được rõ cái mà ông đã dõng dạc gọi là sự “đại cảm tính” của Rousseau. Ông đã giúp chúng ta nhận ra chỗ hão huyền của những nhà đạo đức thời nay, khi họ tin rằng cứ có nền luật pháp tốt, là đủ để ngăn ngừa cái xấu, và cái đó đang nẩy mầm trong việc thu xếp các điều kiện khách quan được Rousseau khuyến cáo không mấy sai lầm rằng, mỗi cá nhân hãy nên sử dụng. Ông nói, “Tôi phân biệt ở Rousseau hai con người, một con người thật, vô cùng độc lập và vô chính phủ, và một con người kia, là kẻ thật lòng muốn làm một tên chuyên chế tuy rằng gương mặt này không phải lúc nào cũng lộ ra: vì vậy mà, tác phẩm Khế ước xã hội chỉ là một tác phẩm viết vào lúc còn trẻ, tác phẩm Emile là một ý kiến được đề xuất bất ngờ, như lời nhận xét của Faguet. Hiển nhiên là Rousseau thường vẫn tự mâu thuẫn với chính mình, nhưng hai con người ấy vẫn hòa làm một. Một kẻ vô chính phủ, là một kẻ chuyên chế: phá hủy một ngôi nhà chẳng phải là một cung cách và là cung cách tồi tệ nhất để thực hành luật đó sao? …

Ông Nguyễn Văn Vĩnh của chúng ta còn nói thêm rằng: “Đúng ra thì Rousseau vẫn cứ là một bí ẩn, vì trong cuộc đời ông và trong những điều ông viết ra có vô vàn chi tiết quá ư mâu thuẫn. Như ông Louis Proal đã nói (trong cuốn Tâm lý Jean-Jacques Rousseau, Paris, Alcan xuất bản, 1923), trong cái ảnh hưởng do Rousseau tạo ra, tất cả đều khác thường. Rousseau, người sống cuộc tình tay ba với bà Warrens và ông Claude Anet, người có ba mặt con không giá thú với Thérèse Levasseur [và tất cả các con ông đều được gửi nuôi dưỡng tại nhà trẻ mồ côi], chính con người ấy lại là người dắt dẫn lương tâm của vô khối quý bà sùng đạo. Vô số đàn ông và đàn bà chủ gia đình đã tìm đến với người cha biến chất ấy để xin những lời khuyên về giáo dục con cái họ, về việc chọn nơi gửi gắm dạy dỗ con cái họ. Có các cha cố đã xin Rousseau lời khuyên về mục vụ nhà dòng của họ.

Đảo Corse và nước Ba Lan đã xin con người mơ mộng lãng mạn đó các ý tưởng cho việc xây dựng bản hiến pháp của họ. Ông đã kịch liệt kết án những lạm dụng của chế độ cũ, nỗi bất công của những kẻ có đặc quyền đặc lợi, thế mà có những kẻ có đặc quyền đặc lợi đã tranh giành nhau cái vinh dự được nghênh tiếp ông. Ông đã dùng những lời lẽ cay chua độc địa, để nhả đạn vào Nhà Vua. Ông đã ca ngợi những người thuộc phe Cộng hòa, vậy mà các nhà vua lại tranh nhau giúp ông tiền trợ cấp.

Tôi nghĩ rằng chỉ riêng việc phê bình văn học không đủ để hiểu và lý giải cái điều “bí ẩn”, và như ông Proal đã thử làm, còn cần phải nghiên cứu tâm lý và bệnh lý của Rousseau nữa. Theo ý tôi, nếu các nhà phê bình Nisard, Villemain, Faguft, Lemaître, và những người ở tầm cỡ thấp hơn, vẫn còn thiếu đúng đắn trong đánh giá và phán xét, đó là vì họ chưa coi trọng việc nghiên cứu tâm tính và tính cách của Rousseau. Trong nhiều đoạn cuốn sách của ông Proal, ta được biết rằng, ông từng là thẩm phán dự thẩm: ông biết cách rút ra từ những cuộc hỏi cung để có các thông tin thích hợp và làm rõ ra nhân vật. Ông phán xét như sau đối với nhà thơ trữ tình: ” Rousseau có tất cả các thứ nhiệt tình, nhiệt tình với thiên nhiên, nhiệt tình với đức hạnh, nhiệt tình với tự do, nhiệt tình với tổ quốc, nhiệt tình với tình yêu và tình thương, nhiệt tình với những tình cảm tôn giáo. Vì thế mà, mặc dù có những sai lầm khuyết điểm, cái tâm hồn nồng nàn của ông vẫn là nguồn cảm hứng để ông có được những tình cảm cao cả, để có những hình ảnh biểu hiện được các tình cảm ấy, khiến cho những điều ông viết ra có được sự vận động, có được sức nóng lan tỏa tới kẻ khác… Giống như một nhà thơ trữ tình và những nhạc công cỡ lớn, ông tạo ra các tác phẩm trong cơn sốt, trong cơn xuất thần.”   

Télémaque_title_page_-_INHA

Ta cũng có thể nói như vậy về Fénelon, với Télémaque mà như chúng ta đều biết. Đó là tác phẩm từ lâu đã đạt tới sự tột đỉnh vinh quang và được dịch ra hầu hết các thứ tiếng. Nguyễn Văn Vĩnh đã đem lại cho tác phẩm này một phiên bản tiếng An Nam in trên Đông Dương tạp chí năm 1915. Khi tác phẩm này ra mắt trọn vẹn (trong tủ sách Âu Tây tư tưởng, 1927), dư luận ở nước Nam này đều nhất trí tin tưởng và ai ai cũng nghĩ như Nguyễn Văn Vĩnh rằng, đại giáo chủ [đại diện Tòa Thánh Roma tại Pháp] đã định thế nào cũng phải thanh sát toàn bộ công việc trị quốc của vua Louis XIV. Đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh nói với chúng ta rằng: “Ở Pháp, dư luận nhất trí về điểm này, thậm chí còn có thể nói rằng, khi các nhà sử học càng lột tả được rõ chân tướng “phù hoa” của triều đại vua Louis thì dư luận lại càng đồng lòng hơn. Không phải [nhà sử học] Saint-Simon, con người khéo léo nhìn thấu mọi điều ở đời, là người đã đổ vấy mọi sai lầm lên đầu Fénelon. Tôi dám nói rằng, cái lúc nhà sử học này ngồi đọc sách Télémaque trong phòng riêng, đó là vào cái tuổi ông còn phải uống sữa. Những lời giáo huấn rơi ào ạt như mưa đá lên đầu vua Louis XIV, lên phu nhân de Maintenon, lên một số bộ trưởng. [Giám mục] Bossuet chẳng lạ gì điều này. Hiển nhiên là Fénelon không chủ định viết một đoạn văn châm biếm những con người cụ thể, theo cái gọi là tiểu thuyết châm chọc đích danh [“roman à clef”]  (ND thêm).

Ông là người có tâm hồn quá cao thượng, để có thể bắt tay làm một việc như vậy, nhưng ông lại rất yêu quý đức giám mục, và ông thấy mình có nhiệm vụ viết ra những gì mình biết, nghĩa là, như một trong những nhà biên tập xuất bản tốt nhất của ông đã nói, “chỉ có một sự cao quý đích thực nếu như nó được xây dựng trên cơ sở của đức hạnh, và chẳng hề có đức hạnh ở một con người không biết khiêm cung và không biết thế nào là vô tư, kẻ duy nhất chỉ biết bo bo khư khư cho riêng mình, kẻ coi vương quyền như một phương tiện chỉ dùng để mặc sức thỏa mãn mọi tham vọng và đam mê của mình…” Mà nếu vua Louis XVI có là cái con người như thế, thì cũng phải lên tiếng thôi. Từ trong thẳm sâu niềm trung thành không thể chối bỏ như vậy, Fénelon đòi cái quyền tự do của người Công giáo sùng đạo bên trong nhà giáo dục, và là người đứng đầu trông coi công việc giáo dục của nhà vua, khi ấy, đang muốn chuyển sự nghiệp giáo dục thành hành động cụ thể, thì không thể nào cứ bám vào những điều rao giảng đạo đức chung chung, song ở đây vẫn chưa có gì giống với tinh thần phản kháng hoặc tính châm biếm hết”.  

Với Miếng da lừa qua bản dịch ra mắt trên Đông Dương tạp chí năm 1917, chúng ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh tìm tòi xem hồi năm 1831, các tư tưởng triết học, mỹ học hoặc xã hội của Balzac như thế nào, và tác giả này đã dùng những phương tiện nào trong tay để diễn đạt các tư tưởng đó. Nguyễn Văn Vĩnh đã có kế hoạch đồng thời nghiên cứu sự hình thành trí tuệ và kỹ năng của tác giả trước khi làm chủ được những kiệt tác tiếp theo Miếng da lừa. Ông kể, “Tôi bắt đầu với việc tìm tòi trong những cuốn tiểu thuyết thời khởi đầu của Balzac, đôi khi đó chỉ là những phác họa sơ sài, mọi thứ gì có thể coi như là chỉ dấu nho nhỏ đầu tiên của những lý thuyết, một phác họa các gương mặt mà tác phẩm Miếng da lừa rồi sẽ triển khai rộng ra. Trong tiểu thuyết này, thấy Balzac chịu ảnh hưởng của nhiều dòng bên ngoài: dòng [đam mê mãnh liệt theo phong cách trữ tình của nhà thơ Anh] Byron, dòng lãng mạn của Đức, tiêu biểu là cuốn Faust của Goethe mà ông cũng ít hiểu như người đương thời của mình vậy, và cả cái hoang đường [ma quái] của Hauffman thường được ông bắt chước và rất hay bắt chước nhầm. Ý đồ được nói rõ ra của ông là dùng các tác phẩm tưởng tượng làm biểu trưng cho những tư tưởng nhất định trong cái ta có thể coi như là triết lý của ông vào thời đó; như lý thuyết của ông về sức mạnh của ý chí, quan điểm của ông về con người thiên tài và nhà thơ, cách ông đánh giá về tính vị kỷ của xã hội, v.v… Ông đã lạm dụng chủ nghĩa tượng trưng để chẳng làm gì cho nó hết; ông hài lòng với việc tạo ra thật nhiều điển hình, và trong khi làm công việc đó, ông đã để cho hồi ức văn chương hoặc hồi ức về các mặt khác lấn lướt năng lực quan sát trực tiếp. Dẫu sao, không thể có chuyện bản chất của nhà tiểu thuyết và các phẩm chất thích hợp nhất của ông hoàn toàn bị bóp nghẹt vì bị các lý thuyết chế ngự”.

Nguyễn Văn Vĩnh còn nói thêm: “Ta chớ nên quên rằng, qua mọi thứ gì Balzac phát lộ ra, bên cạnh một nhà tiểu thuyết làm công việc kiến tạo những biểu tượng và triết lý một cách thái quá, còn có Balzac con người thật đang sử dụng một thứ kỹ năng độc đáo như, miêu tả tình cảm thông qua thị giác, như  mô tả sự tương phản để tạo ra sự tác động. Cũng như việc diễn tả kỹ lưỡng hoàn cảnh, môi trường để làm cho các tính cách được nổi bật lên, v.v… Nhưng nói chung, trong toàn bộ tác phẩm của Balzac, ta đều thấy có sự xung đột giữa bản năng thiên bẩm của tác giả và những ý đồ được ông đem ra thể hiện một cách không phải là không có mâu thuẫn. Điều này đã khiến cho các tác phẩm của ông trở thành một sự ngưng đọng trong toàn bộ quá trình phát triển, nẩy nở của nghệ thuật Balzac”.

Sau hết, đối với Michelet, tác giả được ông chỉ định dịch vài ba trang thôi. Chúng tôi xin trích những lời lẽ rất đáng nhắc lại của Nguyễn Văn Vĩnh:

“Khi xem xét sự phong phú và tính đa dạng của từ vựng, vấn đề quan trọng chẳng kém chuyện thị hiếu, thường khi ta có xu hướng muốn đem Michelet so sánh với Victor Hugo. Nhưng Michelet-sử gia, là một con người đam mê, xốc nổi, con người chỉ căn cứ váo cảm xúc để nhanh nhẩu viết ra mọi điều. Trong khi Hugo-nhà thơ, lại là một con người luôn gây ấn tượng mạnh bằng thị giác,  lại luôn luôn vẽ, và rất thường xuyên vẽ trong vẻ sự lạnh lùng. Những câu thơ đầy sắc màu với sự nồng nàn. Michelet dùng một từ thôi, để dập từ trong khuôn ra lấy một tư tưởng, một từ tiện dụng nhất, mãnh liệt nhất, chính xác nhất.

Hugo đi quanh một tư tưởng, bọc lấy nó bằng một tờ giấy vàng, như bọc một trái đào. Từ đó ta rút ra rằng, khi đọc Michelet, ta bắt gặp vô vàn từ ngữ có sẵn để dùng theo nghĩa mới, bởi vì ông bị thời gian thúc bách, ông không còn đâu thời giờ mà tra từ điển nữa. Ở Hugo thì không có từ ngữ có sẵn, vì ông ít bị ràng buộc, hoặc nếu có dùng thì đó là những từ ngữ có sẵn đã được nghiền ngẫm, được lựa chọn bởi bàn tay của người họa sĩ, chỉ quan tâm tới hiệu quả khi dùng cái mầu ấy”. Nếu như có ai thấy nhận xét này chỉ đúng một phần thôi, thì cái “một phần” ấy lại khá to, để ta khó mà đánh giá rằng ý kiến đó của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là một câu nói vui(10).

Phải chăng với chúng ta, nền văn học Pháp có giá trị trước hết là ở chỗ nó tạo ra mối liên hệ giữa tinh thần Pháp với tinh thần Nam thông qua những bài học về tính chừng mực và tính thị hiếu, thông qua những khoái cảm tuyệt trần, nó mang lại cho con người sự tinh tế, với cái sứ mạng đẹp đẽ nhất, được mong mỏi, khát khao nhờ một người bạn văn chương, và hẳn sẽ là tác giả. Con người có đầu óc vừa mềm dẻo lại vừa chân xác, đủ khả năng đứng ra làm công cụ trung gian phục vụ cho cả các bậc anh tài nước Nam, cũng như bậc anh tài nước Pháp. Ngõ hầu giúp cho bậc anh tài nước Nam kết nối được với người bạn tài danh kia để tạo ra một mối liên kết thân tình chặt chẽ?

Sứ mệnh này Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ thực hiện được trong vai trò biên tập viên và dịch giả của những áng văn chương tiếng Pháp được ông hoàn thành với một uy tín càng ngày càng tăng cao. Ông còn hoàn thành sứ mệnh đó bằng nhiều cách khác nữa. cả bằng những gì ông đã viết ra trong suốt hơn ba chục năm qua, cũng như trong những giáo huấn của ông trình bày tại Hội Trí Tri này. Ta có thể có được một ý niệm về công cuộc truyền dạy đó của ông, và những việc ông đã làm khi đọc những trang chuẩn bị cho bài thuyết trình của mình dành cho các lớp học từ năm 1905 đến 1908. Những trang chuẩn bị đó, chúng ta đã tận mắt thấy đầy đủ tất cả, nó được in thành nhiều bản và được các cựu học sinh của người quá cố biết bao thương tiếc đã truyền lại cho chúng ta. Không còn gì có ý nghĩa hơn là sự chăm chút khi các bạn sưu tập và sùng kính giữ gìn chúng.

Nếu có lúc nào, lại còn có một quần chúng khó tính, khó nhọc tìm kiếm và gìn giữ, thì hẳn đó là một quần chúng của những lớp học đã có tại Hội Tương tế Giáo dục này vậy. Tuổi thanh xuân bao giờ và ở đâu cũng có xu thế cao ngạo, hơi có chút khinh thị. Nhưng không thấy ở đâu xu thế đó lại mạnh mẽ như ở lớp tinh hoa, đang có xu hướng phóng đại những giá trị của mình, do vì vừa kiêu hãnh lọt qua những kỳ thi các cấp. Với một cử tọa như thế, vẫn đang sẵn sàng học hỏi, ta đừng hòng dùng vài ba lời lẽ chung chung mơ hồ với ít nhiều sự uyên bác để thu hút họ. Không thể hy vọng, để đem đến cho họ những nội dung đã thành công ở nơi khác, đến trước những cử tọa bình dân, lẫn lộn nhiều thành phần xã hội khác nhau. Ta sẽ dễ gặp nguy cơ, bị họ cười mỉm đón chờ; thế nào rồi cũng biết chắc, là họ chẳng chú ý nghe đâu. Nhưng ngược lại, những chàng trai thông minh và khao khát tri thức đó, sẽ nhào đến với lòng đầy tự tin, biết đánh giá cao một giáo viên sẽ đem lại được cho họ những nội dung khoa học chưa từng công bố và những ý tưởng mang phẩm chất rất riêng ấy!

Đó là điều đã xảy ra với Nguyễn Văn Vĩnh. Ông không thuộc hạng người tự vuốt râu rung đùi, đem giãi bày một cách khô khan những tên sách, tên báo mà có vị nào đó đang chực lao vào, định làm nhà phê bình, mà họ vẫn hay dùng để che dấu sự tầm phào về nội dung khoa học, hay sự nghèo nàn về ý tưởng của mình. Thật dễ vô cùng, khi chỉ đọc và kể lại những điều đã được nói mãi về một đề tài, thay vì tự mình tìm ra điều phải nói về vấn đề đang được xem xét, về cái gì đó thực sự mới mẻ, về cái gì đó thật bõ công nói ra và để in ra.

Với mỗi một nhà văn danh giá, và với mỗi một tác phẩm có giá, dưới một hình thức rất ngắn gọn mà đầy đủ, Nguyễn Văn Vĩnh đều đem lại mọi điều do chính ông đã dầy công đọc, suy và ngẫm từ khá lâu. Đó là những bài phân tích, thực hiện bởi một bàn tay có nghề. Những đánh giá có tính phê phán, luôn luôn gây cho ta cái cảm giác như bắt gặp một thứ thị hiếu tinh tế, cùng với những thông tin đáng tin cậy. Một trong những học trò xuất sắc của ông đã viết cho chúng tôi về vấn đề này như sau:

“Trước một cử tọa trong một phòng họp chật cứng ở Hội Trí Tri, ông Nguyễn Văn Vĩnh lần lượt giảng giải về các danh nhân cổ điển Pháp, các yếu tố của môn triết học Âu châu. Buổi học vốn định giành riêng cho những người sẽ dự thi vào chân Thư ký, hoặc Tham tán tòa sứ; nhưng chính các đối tượng này, ngay tại gian phòng dành riêng cho mình, họ cũng khó để tìm được chỗ mà ngồi. Chỗ này thì đã có những cụ cao tuổi ngồi nép vào cùng với các học trò của Hội, cụ nào cũng mang theo sách, vở ghi và cẩn thận theo dõi sát văn bản. Chỗ kia lại có những người khác, dáng vẻ như nhàn nhã hơn hoặc đã về hưu rồi, họ vui mừng ra mặt khi được mở lại những cuốn sách từ lâu họ chẳng giở ra. Họ được trở lại với việc học hành thời thanh xuân, nhìn họ trẻ hẳn ra. Những người không biết chút gì về các nhà văn kinh điển của nước Pháp, thì như có cảm giác là họ đã được hiểu kỹ hơn những câu chuyện Ngụ ngôn của La Fontaine, hoặc những Tư tưởng của Pascal, nhất là khi được nghe bình luận từ một thầy giáo am tường đến thế, khiến họ thật sự hài lòng để đợi mười năm sau lại được đọc bản dịch trên Đông Dương tạp chí (1913-1918).

Hình như, điều gì cũng hấp dẫn và khiến công chúng gắn bó với lớp học của Nguyễn Văn Vĩnh. Hẳn là do người thầy của chúng ta đã gửi được những gì được xem là khoa học chính xác vào việc diễn giải, cũng như việc đánh giá các tài liệu, văn bản. Hoặc đó chính là do sự quảng bác, sự trong sáng trong những bản thuyết trình mang tính bao quát về tiểu sử của một nhà văn, hoặc trong việc xác định thế nào là một thể loại văn chương ! Song lý do trên hết, đó còn là cái lạc thú mà ông đem lại cho chúng ta, khi được nghe một cách trình bày, một cách nói năng tự nhiên nhất và thoải mái nhất. Khi nói, ông rất ít vung tay, vung chân, và đặc biệt, không bao giờ ông dằn giọng hết. Một chuỗi lời nói tuôn ra không chậm chạp mà cũng chẳng dồn dập, tuy đôi khi cũng trở nên gấp gáp do diễn giả đề cập tới đoạn thú vị nhất của đề tài. Giọng nói của ông rõ ràng, có âm sắc khi kể lại một giai thoại, hoặc lôi ra một đoạn văn bia. Giọng nói ấy không cần chút nỗ lực nhấn nhá nào, song vẫn biến đổi và bất chợt bỗng mang sắc diện vui tươi, giễu cợt. Trong giọng nói lúc ấy có vẻ gì đó cay độc, có vẻ gì đó buộc tai ta phải lắng nghe. Lời ông nói bao giờ cũng đúng phép tắc, song lại không hề lộ ra chút gì là có sự chuẩn bị sẵn, hay học thuộc lòng từ trước. Các ngôn từ như thể sinh sôi một cách tự nhiên, từ một bộ óc có tư duy vững vàng và tự tin. Các ngôn từ tuôn ra với một vẻ ngẫu nhiên, khiến chúng ta càng thấy ý vị, nhưng người nghe vẫn tuyệt nhiên không thấy người nói có ý định tìm kiếm một tác động cố ý và xa xôi nào.”

♣ ♣ ♣

DSCF0048

Bìa cuốn: Phép giảng tám ngày của Alexandre De Rhodes

Cùng những phẩm chất ấy, lại được Nguyễn Văn Vĩnh mang theo một cách còn giản dị hơn trong cách cư xử thoải mái, khi tiến hành một công cuộc giáo dục khác. Những cuộc nói chuyện và những bản thuyết trình cứ nửa tháng một lần do Hội Trí Tri tổ chức. Dưới đây, dựa trên nhiều ghi chép của các đồng nghịêp, chúng tôi xin trích giới thiệu hai buổi thuyết trình của Nguyễn Văn Vĩnh. Buổi thứ nhất tiến hành tháng 11 năm 1905, ông nói về folklore, một hình thức lịch sử tự nhiên của trí tuệ con người, khi nghiên cứu các phong tục và tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới.

      “Việc nghiên cứu folklore ban đầu được tiến hành dựa trên các tác phẩm văn chương, dựa trên các chuyện kể và các bài hát(11). Trong lĩnh vực này, người ta đã có những khám phá, khẳng định được tính thống nhất tuyệt vời của đầu óc tư duy con người. Truyền thuyết Hy Lạp kể chuyện Cronos nuốt chửng con cái mình, điều này cũng có ở nước Úc, ở châu Phi và ở các nơi khác nữa. Chuyện xuống địa ngục cũng là một tình tiết bàn đến tính anh hùng chung cho nhiều dân tộc. Rất nhiều chuyện kể của Perrault [Pháp] hoặc của Grimm [Đức] đều có ở Viễn Đông và ở vùng tộc người Polynésien. Với chúng ta, huyền thoại là một hiện tượng tất yếu và phổ quát, trong những câu chuyện huyền thoạ, tai thấy có những sáng tạo giống nhau ở khắp nơi. Ta nhận thấy có những quy luật chi phối tất cả những biểu hiện đó trong bản năng của sự tưởng tượng, giống như những quy luật chi phối sự ra đời của các ngôn ngữ. Xác định chính xác các quy luật đó, ấy là nhiệm vụ trong tương lai. Trong khi chờ đợi, chúng ta nghiên cứu các sự kiện và ta tìm cách hiểu chúng kỹ càng hơn…

Ở một thời đại mà chúng ta tỏ ra vô cùng chú ý tới những thứ gì đó có liên hệ tới những người man di. Sự chú ý đó không chỉ bắt nguồn từ đầu óc tò mò khoa học của con người, mà còn có gốc gác từ những thói quen của người thành thị chúng ta, những kẻ bị giam hãm trong các thành phố, gắn bó với nhau bằng các thứ nghĩa vụ xã hội, chúng ngăn cản sự tự do phát triển những bản năng vật chất của con người. Chúng ta mơ hồ cảm thấy nhớ nhung, luyến tiếc cuộc sống tự nhiên của nhân loại, là chuyện đã từng xảy ra từ rất lâu rồi. Việc đi săn, những chuyến du lịch, các trò chơi thể thao, đều là những cuộc nổi loạn âm thầrm của cái cơ chế có tự tổ tiên ngàn đời của ta. Ngay cả những ai xa lánh hẳn với những điều được di truyền lại đó thì hình như, cũng vẫn ngồi đọc tiểu thuyết để mà nhớ lại những thời đã qua. Ngồi yên binh trong chiếc ghế đệm, cửa đóng chặt, nhìn xuống con phố được cảnh sát canh chừng, chúng ta háo hức sống lại cuộc sinh tồn của những con người đã phải kết thúc số phậni vì nanh vuốt do bị hổ cắn xé, hoặc vì bàn chân voi thượng cổ giẫm đạp, hoặc những con người chết vì đói và rét trong thẳm sâu hang động.     

Các nhà nghiên cứu folklore còn cho ta biết nhiều điều nữa trong cuộc sống hiện đại vẫn mang đậm dấu vết sự sống của tổ tiên ta. Các nhà nghiên cứu đã cho thấy, chẳng có gì khác nhau giữa một phụ nữ thổ dân botocudo, làm xuyên thủng cánh mũi để cài một chiếc que ngang nho nhỏ cho việc trang điểm, với một phụ nữ đục thủng lỗ tai để đeo đôi khuyên đính kim cương. Cũng chẳng có gì khác giữa một chuỗi vòng đeo cổ bằng ngọc trai với một chiếc vòng cổ bằng răng cá đuối. Giữa một mệnh phụ phấn son với một người đàn bà Polynésie dùng bồ hóng và thuốc súng để làm cho da mình đen thêm.

Với những mâu thuẫn trong tình cảm, đẩy một người phụ nữ phương Tây, ban ngày với đầy chất vẻ trong trắng, nhưng tối đến, lại mặc chiếc áo hở ngực thật rộng… để khiêu vũ. Về điểm này, các nhà nghiên cứu còn cho ta những lời giải thích mà tôi không tiện kể lại ở đây, nhưng nó đều liên quan với đời sống hàng ngày của các loài động vật. Hình như, các nhà nghiên cứu folklore đã tỏ ra thiếu hào hoa, lịch sự, nhưng họ lại biết rất nhiều điều, và những ai nhân danh là những con người văn minh, đều nên đọc sách của họ. Những người gọi là văn minh, sẽ học được trong đó một chút tính khiêm nhường cho bản thân, và học được rất nhiều lòng khoan dung khi đứng trước những con người bị chúng ta gọi một cách khinh thị là những kẻ man di, hoặc những kẻ mọi rợ. Những con người chậm tiến đó lẽ ra nên được gọi là anh em cùng chung bầu vú mẹ với chúng ta; họ ở lại chốn thôn quê, còn chúng ta được đi học ở chốn thị thành, vênh vênh váo váo, thế thôi. )

Đoạn trích thứ hai liên quan đến những vấn đề về đạo lý:

 “Tất nhiên, một khi đã biết rõ các nhu cầu vật chất của con người, một khi con người đã được cảnh báo về ảnh hưởng của các phương tiện khi con người biết khai thác, sử dụng được hiệu quả nhất giá trị của nó. Ở một mặt khác, chúng ta quan tâm đến việc tôn trọng các dạng thức phát triển và tiến bộ của loài người, thì khi đó chúng ta sẽ có được một thái độ với tính nhân văn. Toàn bộ giá trị đạo đức của con người nằm trong mối lo toan đó. Ngành sinh học sẽ giúp và cho phép chúng ta có được những sự điều chỉnh thích hợp và chính xác nhất định về cái ý chí muốn đạt được cái tốt đẹp cho chúng ta. Nhưng như vậy, vẫn chưa phải là nguồn gốc của sự cung cấp cho con người cái lý do vì sao nó hành động. Nó chỉ mới cho thấy điều tốt đẹp của con người là ở đâu, mà như vậy cũng đã là nhiều lắm rồi.

Chỉ có đạo đức học mới cho phép con người thực hiện được những điều tốt đẹp bằng cách chỉ ra cho nó rằng, làm điều đó là phù hợp với cái tốt đẹp mang tính chất đạo lý. Bắt chước theo các triết gia người Pháp, chúng ta cần đề ra câu hỏi đó, câu hỏi khiến họ trằn trọc ngày đêm. Nhân danh cái gì mà ta có thể áp đặt các điều răn dậy đạo lý cho con người và cho các dân tộc?

Tôn giáo có bất lực [trong những răn dậy đó] không? E rằng khoa học cũng bất lực như tôn giáo vậy thôi. Quyền hạn của khoa học mà chúng ta được chỉ ra, như là cái gì đó hoàn toàn đúng, song có thể làm nảy sinh ra một lĩnh vực khác nữa. Khoa sinh vật học về con người, cũng như khoa sinh vật học đại cương, sẽ không mang lại được lời giải đáp. Khoa học giúp chỉ ra được cái gì tồn tại có thật. Đạo lý đòi hỏi điều con người phải tiến đến. Quy luật tiến hóa của xã hội loài người sẽ không được tôn trọng bởi chính chúng ta rồi sẽ tự thấy những quy luật ấy còn cần phải được ta xác nhận. Việc đó diễn ra không thể sớm hơn cái thời điểm mà chúng ta biết được giá trị hiện hữu của lòng tôn trọng đó. Quy luật đó không áp đặt chút nào lên lương tri của chúng ta cả. Lương tri của chúng ta sẽ chỉ tuân theo cái nhiệm vụ mà nó tự đặt ra mà thôi, đồng thời, nó chẳng hề nhận một mệnh lệnh nào từ bên ngoài. Lương tri chúng ta sẽ tự đi tìm đâu là cái tốt đẹp của xã hội, một khi nó nhận ra được cái giá trị thật của đạo lý, của xã hội, và nhận ra giá trị đạo lý của một con người.

Các bạn đều đã biết bản thuyết trình của [nhà triết học Pháp] Henri Bergson [(1859-1941)], về khả năng phát triển của tư duy con người đương đại trong khoa học hiện đại về Toán học, nó lại đứng trên quan điểm của khoa học cổ Hy Lạp thời của những Kepler, những Galilée, những Newton, để chỉ có thể định hướng theo con đường phát triển khoa học kỹ thuật và vận hành, thao tác trên những vật liệu “cụ thể”, [thay vì như vậy nếu như khoa học hiện đại – ND thêm] lại bắt đầu từ việc thăm dò trí não con người và bắt đầu một cách có hệ thống bằng phương pháp tâm lý học.

Khi đó, rất có thể, sẽ có được một khoa sinh vật học theo đường lối “lực sống” [biologie vitaliste – ND thêm] hoàn toàn khác với khoa sinh vật học thời nay, nó sẽ đi tìm ở phía sau các dạng thức mẫn cảm của con người, để thấy được cái sức sống nội tại vô hình bộc lộ ra qua những dạng thức đó. Khi đó rất có thể sẽ xuất hiện một loại khoa y học chữa trị trực tiếp vào những điểm khiếm khuyết của chính các “lực sống” [force vitale ấy – ND thêm] cũng nên.

Nhưng nếu cứ suy nghĩ kiểu đó tức là thả mồi bắt bóng, chẳng thể nào đi tới được sự chuẩn xác, tính hiệu quả, mối quan tâm đi tìm bằng cứ, thói quen phân biệt giữa cái gì đơn giản là khả năng hoặc tiềm năng với cái gì có tính chất chắc chắn. Đó là những điều thực sự quý báu mà con người đã chiếm lĩnh được, để ta chẳng nên tiếc nuối một cung cách khởi đầu mọi việc, khiến cho hệ quả duy nhất chính là những điều ta đã chiếm lĩnh được như vậy”.

 

Chú thích:

(10) Bàn về chuyện dịch La Fontaine của mình, đồng nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh khuyên chúng ta đọc những công trình nghiên cứu có tính phê phán của ông G. Michaut (Paris, Hachette xuất bản, 1913-1914, hai tập), trong đó có những chỉ dẫn thú vị về nguồn gốc các bài thơ, những dấu vết của cảm hứng, chất liệu và những lần sửa sang, những thay đổi giọng điệu bài thơ và những dụng tâm về mặt triết học của tác giả. Ông Michaut làm phá sản một số thói quen vẫn chấp nhận một cách mù quáng các giai thoại không được kiểm chứng. Đặc biệt vấn đề không đưa thể loại ngụ ngôn và nhà thơ ngụ ngôn vào tác phẩm Nghệ thuật thơ ca [Art poétique] dường như được giải quyết đúng đắn: Boileau gạt thể loại ngụ ngôn ra vì theo ông đó không phải là một thể loại riêng biệt, và các quy tắc chung của việc tạo ra ngụ ngôn cùng văn phong ngụ ngôn đã được ông đưa ra ở chỗ khác [cho thơ nói chung] có thể coi là tạm đủ. Ông Michaut nhấn mạnh vào tính chất độc đáo của tập II bộ Ngụ ngôn đó là việc vay mượn từ phương Đông, là văn phong thanh tao hơn, hình thức đa dạng, các chủ đề phong phú và đôi khi có liên hệ đến các vấn đề chính trị và triết học. Nhiều ngụ ngôn trong tuyển tập này là tiếng vang của những cuộc trao đổi bác học diễn ra trong phòng khách của phu nhân de la Sablière, và ông Michaut có trình bầy một vài vấn đề mang tính tư biện về La Fontaine và phác họa đôi điều về triết lý của nhà thơ này. Trong số các bài ngụ ngôn cuối cùng của La Fontaine, ông Michaut đã làm nổi bật phần nào là giá trị hơn cả của chúng, bài [ngụ ngôn về cặp người già] Philémon và Baucis, có thể coi đó là thử nghiệm đầu tiên và hoàn toàn thích hợp của La Fontaine khi viết về loại truyện tình cảm. Trong những truyện cuối cùng của tập Truyện kể, tính chất thanh tao cũng nhiều hơn lên; trong các bài cuối cùng ở tập Ngụ ngôn, cũng có những ưu điểm như vậy so với những bài trước đó, mặc dù là có nhiều nhà phê bình cứ muốn tìm thấy ở đó những nét gì cho thấy rõ ràng là sáng tác nhà thơ đã sa sút rồi. Như vậy là ông Michaut đã theo dói sự tiến triển của tài năng nhà thơ sát với từng bài một, và công trình nghiên cứu của ông cho chúng ta một ý niệm đúng đắn và đầy đủ về sự phong phú của thiên tài uyển chuyển này cũng như cho thấy nỗ lực đổi mới của cái con người vẫn bị coi là lờ phờ đó. Phương pháp nghiên cứu của Michaut dường như hấp dẫn đặc biệt các nhân vật trong văn đàn thuộc loại tinh tế nhất và khó nắm bắt nhất, loại Sainte-Beuve, loại Senancour và Anatole France. Chắc chắn là, với sự phong phú về tư liệu, với sự cố ý nhấn mạnh vào những chỗ cần nhấn, cuốn sách nghiên cứu về Anatole France (Paris, Fontemoing xuất bàn, 1913; xin coi các trang về Anatole France đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Nam đăng trong Đông Dương tạp chí, trang 913 và các trang tiếp theo) đòi hỏi phải làm rõ vấn đề nêu ra bởi một người lắm hoang tưởng về nguồn gốc các tư tưởng của đại văn hào này và  bản chất cũng các đặc điểm nghệ thuật của Anatole France; thông qua việc nghiên cứu các nguồn tư liệu, các chỗ gần gũi nhau của các chủ đề và phương tiện biểu đạt, thông qua việc nêu rõ những mâu thuẫn và lặp lại, bằng một con mắt nhìn càng lúc càng mang tính tổng hợp, ông Michaut xác định những giới hạn của tác giả này. Chẳng cần cầu viện đến những điều riêng tư phải giữ bí mật, đến những chi tiết tiểu sử nào khác ngoài những điều do bản thân Anatole France cung cấp: có thể nói đây chính là chiến thắng của phương pháp phê phán và cách diễn giải các văn bản thông qua việc so sánh đối chiếu riêng các bản in, để từ đó, thông qua những chỗ như thể giống nhau mà nêu ra đưcọ một phương diện tâm lý hầu như đã được “dựng lên” bởi nhà phê bình. Một sự tìm tòi không biết mệt, một óc tưởng tượng hoàn chỉnh để vẽ nên được những đường uốn lượn giữa hai giòng chữ để sáng tạo ra những con người trong tưởng tượng, một tính chất độc đáo về hình thức tạo nên nhờ sự hòa tan khó nhận biết của các văn phong khác nhau, một thứ “chủ nghĩa bi quan vui vẻ” làm nên cái nền thực thụ của một tính mẫn cảm “trước sự Ham muốn và sự Khoái lạc” : đó là những tính chất được ông Michaut gán cho Anatole France, tác giả của  Sylvestre Bonnard, và những kết luận của Michaut nói chung là hết sức có căn cứ vững chãi.

(11) Các bài dân ca nước Nam có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Nguyễn Văn Vĩnh; năm 1904, ông có buổi nói chuyện đầu tiên tại Hội Tương tế Giáo dục về đề tài này, và kể từ đó đề tài đã được ông không ngừng quan tâm đến. Ba năm sau, ông lại có cuộc nói chuyện nữa về các bài hát ngành nghề, và liền năm sau, ông lại nói chuyện tại Hội về “văn chương truyền miệng ở Bắc Kỳ”. Ông không dừng lại ở đó; năm 1914, ông làm mẫu –  vì trong lĩnh vực này, ông cũng là người đi đầu – phân tích nhiều bài hát, và ông cũng giới thiệu với mọi người những bài hát mới nữa mang cảm hứng khác nữa. Sau hết, váo năm 1916, ông đã khiến cử tọa kinh ngạc chiêm ngưỡng trước cái duyên ngây thơ và giá trị thơ ca của những bài dân ca ở Hà Đông và  vung xung quanh. Xin coi tuyển tập của ông có tên Trẻ con hát, trẻ con chơi.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
May 2024
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Social Network